Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng nhất 55 triệu người đang sống chung với bệnh Alzheimer hoặc các hội chứng sa sút trí tuệ khác. Nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị Quốc tế của Hiệp hội Bệnh Alzheimer (AAIC) ước tính, số người bị sa sút trí tuệ sẽ tăng gần gấp ba lần lên hơn 152 triệu người vào năm 2050.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bệnh Alzheimer không phải là sự lão hóa thông thường mà là một chứng bệnh khiến nhiều phần não dần dần bị teo đi, đặc biệt là hồi hải mã thùy thái dương, là nơi lưu giữ và tạo ký ức. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Không có cách nào để đảo ngược quá trình tiến triển bệnh, nhưng việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Những người có một hoặc nhiều trong 10 dấu hiệu cảnh báo sau đây nên đi khám để tìm nguyên nhân. Chẩn đoán càng sớm càng giúp người bệnh có cơ hội điều trị và lập kế hoạch cho tương lai.
Mất trí nhớ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày
Hầu hết trí nhớ và các khả năng nhận thức khác của mọi người dần trở nên kém đi khi về già. Lúc này, cơ thể không còn có thể phản ứng nhanh và linh hoạt với các tình huống. Đây là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Việc nhận ra và giải quyết các vấn đề phát sinh thường khó khăn hơn nhưng họ vẫn có thể tiếp cận với kiến thức đã tiếp thu được trong nhiều năm, có định hướng, độc lập và đưa ra phán đoán đúng đắn.
Điều này khác với những người bị bệnh Alzheimer. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất, đặc biệt ở giai đoạn đầu là người bệnh không nhớ các thông tin mới tiếp nhận, trí nhớ ngắn hạn bị ảnh hưởng nhiều hơn. Người bệnh quên đi những sự kiện vừa xảy ra, nhưng vẫn có thể nhớ lại những trải nghiệm từ lâu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển thì trí nhớ dài hạn cũng sẽ mất dần theo thời gian. Khả năng tập trung cũng bị ảnh hưởng, khiến việc duy trì định hướng theo thời gian và không gian ngày càng khó khăn hơn.
Việc liên kết những điều đã học trong quá khứ với các tình huống hoặc ấn tượng mới trở nên khó khăn hơn. Lâu dần, người bệnh sẽ không còn có thể hiểu bối cảnh hoặc đánh giá thông tin, nhận định và sau đó quyết định phải làm gì. Ví dụ, một bệnh nhân ở giai đoạn cuối có thể thấy bên ngoài trời đang mưa và có thể diễn đạt điều này bằng lời. Nhưng họ sẽ không thể đưa ra kết luận cho hành động của chính mình. Sau đó, họ có thể ra ngoài mua sắm bằng một chiếc áo thun thay vì mua áo mưa hoặc ô.
Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề
Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện những công việc thường làm trước kia, ví dụ như lập kế hoạch làm việc, kế hoạch chi tiêu cho đến việc thanh toán hóa đơn hoặc ghi nhớ công thức nấu ăn quen thuộc.
Thậm chí, với những công việc quen thuộc thường hằng ngày, người bệnh cũng khó hoàn thành như: nấu ăn, lái xe, sử dụng điện thoại di động hoặc mua sắm... Đây đều là những triệu chứng đáng ngờ để cảnh báo nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Lẫn lộn thời gian, địa điểm
Bạn không chỉ quên các công việc lặp lại hàng ngày mà còn quên cả ngày tháng, không thể nhớ nổi thời điểm hiện tại là thứ mấy, tháng mấy, mùa nào. Bạn thậm chí còn không hiểu nổi tại sao một sự việc (quen thuộc) lại diễn ra như vậy, chẳng hạn như tại sao bây giờ cây lại trút lá nhiều trong khi lý do đơn giản là bởi vì thời tiết đã sang thu...
Bác sĩ Liệu chia sẻ thêm, nhiều trường hợp, người bệnh cũng không nhớ nổi vì sao mình lại đi đến một nơi nào đó hoặc không nhớ nổi mình đang ở đâu. Các dấu hiệu nghiêm trọng này nhất định là những cảnh báo về bệnh Alzheimer mà bạn không nên chủ quan bỏ qua.
Gặp khó khăn nhận biết không gian, hình ảnh
Người mắc bệnh Alzheimer thường gặp khó khăn trong việc cân bằng hoặc đánh giá khoảng cách dẫn đến thường xuyên vấp phải đồ vật trong nhà, làm rơi, vỡ đồ vật. Bạn thậm chí khó xác định được màu sắc hoặc sự tương phản màu sắc và điều này dễ gây ra sự cố khi lái xe.
Bác sĩ Liệu khuyến cáo, mặc dù chưa được chẩn đoán mình có mắc bệnh Alzheimer hay không, nhưng nếu thường xuyên có các triệu chứng kể trên thì bạn nên thận trọng khi lái xe và tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa để được xác định rõ bệnh tình.
Gặp vấn đề về từ ngữ
Người bệnh Alzheimer có thể gặp khó khăn khi theo dõi hay tham gia một cuộc trò chuyện. Họ có thể dừng lại khi đang trò chuyện và không có ý tưởng để làm sao tiếp tục cuộc trò chuyện hoặc có thể lặp lại những câu chuyện trước đó đã nói.
Khi triệu chứng của bệnh tiến triển, việc nhớ đúng các từ trở nên khó khăn hơn và thay vào đó người bệnh sử dụng các từ hoặc cụm từ không phù hợp với ngữ cảnh. Điều này khiến người khác khó hiểu họ. Những người bị sa sút trí tuệ cũng quên nghĩa của từ và sau đó thường không còn có thể theo dõi các cuộc trò chuyện. Điều này khiến việc giao tiếp bằng lời nói của họ ngày càng khó hơn.
Đặt nhầm đồ vật, mất khả năng tìm kiếm
Các triệu chứng Alzheimer khiến một người trở nên kỳ cục. Các hành vi như tự nhiên cho chìa khóa nhà vào tủ lạnh và sau đó không thể nhớ ra ai đã làm việc này. Bạn không biết cách nào để tìm ra một món đồ quen thuộc trong nhà và thậm chí còn nghi ngờ có người lấy cắp... rất thường xuyên xảy ra.
Suy giảm khả năng phán đoán
Do khả năng phán đoán và quản lý tiền bạc kém nên người bệnh Alzheimer dễ bị lừa gạt. Người bệnh cũng ít chú ý đến việc ăn mặc và vệ sinh cá nhân.
Rút lui khỏi công việc, hoạt động xã hội
Người bệnh có sự thay đổi sở thích hoặc các hoạt động thường làm khác, ví dụ như theo dõi các trận bóng đá hoặc theo dõi những gì đang xảy ra hoặc không nhớ được cách thực hiện một sở thích.
Thay đổi tâm trạng và tính cách
Những người bị Alzheimer rất dễ bực bội, tức giận trước các tình huống rất bình thường kể cả ở nhà hay ở công sở, hoặc tỏ ra sợ hãi và nghi ngờ những người xung quanh.
Nguyên Phương