Đa số trẻ nhỏ không thích ăn rau và thực phẩm giàu chất xơ, mà thích ăn vặt, nhâm nhi những món ăn nhẹ thay vì ngồi nghiêm túc trong bữa chính. Việc cha mẹ quát nạt, la mắng hay ép con ăn rau thường không mang lại hiệu quả như mong muốn. Dưới đây là một số mẹo người lớn có thể giúp trẻ thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
Lên kế hoạch và thực đơn cho các bữa ăn chính và phụ: Bên cạnh 3 bữa chính, những bữa ăn nhẹ của trẻ cũng cần cố định, cách bữa chính từ 3-4 giờ. Kế hoạch ăn uống khoa học giúp trẻ có chế độ ăn uống cân bằng, trẻ không bị đói và tránh được các đồ ăn vặt. Bữa ăn nhẹ của trẻ có thể gồm các món như bánh quy, sữa chua, bánh mì kẹp thịt nhiều rau...
Làm một bữa cho cả nhà: Phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen ăn cùng bố mẹ, có nghĩa là bố mẹ ăn món gì, trẻ cũng phải ăn những món tương tự. Trẻ có xu hướng kén chọn và đòi hỏi, nếu bạn phục vụ 2-3 món để trẻ lựa chọn, con sẽ chỉ ăn những món mình thích và loại bỏ rau, chất xơ ra khỏi thực đơn. Nấu cùng một bữa ăn cũng giúp người làm nội trợ tiết kiệm thời gian chuẩn bị và chế biến thức ăn.
Bổ sung chất xơ từ ngũ cốc: Cha mẹ có thể bổ sung ngũ cốc nguyên hạt vào buổi sáng để cân đối lượng chất xơ mỗi ngày cho trẻ. Hoặc chế biến các món ăn phụ làm từ ngũ cốc như bánh kếp, bánh quế cho trẻ nhâm nhi trong ngày.
Giới thiệu các món rau từ từ: Bố mẹ có thể cho con thử các món rau từ từ, từng ít một, nhất là khi mới làm quen với thực phẩm đó. Vị giác của trẻ sẽ cảm nhận độ ngon của rau nếu chúng ăn với sự thoải mái, không bị ép buộc. Khi quen dần, trẻ có thể sẽ thích rau hơn. Nếu việc giới thiệu rau trong các bữa ăn khó khăn, cha mẹ có thể cho con làm quen mùi vị rau quả các loại nước ép, sinh tố trước.
Ăn kèm rau với các gia vị, nước sốt: Nếu con bạn không thích rau sơ chế, hãy thử kết hợp nó với các loại gia vị và nước chấm. Ví dụ như salad với mayone, các món sốt cà chua, sốt hummus, salsa hay nước sốt làm từ sữa chua.
Bổ sung thêm vị ngọt để trẻ thích ăn rau và trái cây: Bạn có thể rắc một ít đường lên trái cây, vị ngọt có thể giúp trẻ thích ăn trái cây và rau củ hơn.
Cho trẻ cùng chế biến món ăn: Nếu con bạn tham gia vào việc lựa chọn thực phẩm và chuẩn bị bữa ăn, có thể chúng sẽ thích thú hơn với việc thưởng thức món ăn do chính mình làm ra.
Cắt giảm ăn vặt: Để trẻ đói và có cảm giác thèm ăn trong các bữa chính, ba mẹ nên cắt các bữa ăn vặt trong ngày. Thay các món ăn vặt bằng thực phẩm lành mạnh hơn như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt hoặc các sản phẩm làm từ sữa.
Sáng tạo các bữa ăn: Một bữa ăn nhiều loại thực phẩm với đa dạng màu sắc có thể thu hút trẻ hơn. Bạn có thể mất thêm nhiều thời gian nhưng việc tạo hình rau củ, trái cây thành những con vật, hình ảnh trẻ thích sẽ giúp trẻ thoải mái hơn khi ăn rau.
Trở thành một hình mẫu tốt: Nếu bạn khuyên con ăn nhiều rau nhưng bản thân mình lại không làm mẫu, trẻ sẽ có lý do phản đối đề nghị của ba mẹ.
Anh Chi (Theo Parents)