Bệnh thận mạn tính (CKD) là căn bệnh được coi là dạng bệnh tiến triển, tức là tình trạng bệnh sẽ trở nên nặng hơn hơn theo thời gian. Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc CKD. Các yếu tố rủi ro không thể kiểm soát được bao gồm:
Di truyền: Nguy cơ mắc bệnh CKD có thể tiến triển thành bệnh thận mạn giai đoạn cuối cao hơn ở những người có thành viên trong gia đình từng bị bệnh này.
Tuổi tác: CKD phổ biến hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên (38%) so với những người từ 45 đến 64 tuổi (13%) hoặc 18 đến 44 tuổi (7%).
Khác: Sinh ra còi xương, thấp cân, có liên quan đến sự phát triển của thận bị suy giảm...
Các yếu tố có thể kiểm soát được bao gồm: Huyết áp cao, bệnh tiểu đường tuýp 1 (với điều kiện khởi phát bệnh trước 20 tuổi), hút thuốc lá (làm co mạch máu thận), béo phì (làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tiểu đường và sản xuất adipokine - các chất gây viêm có thể gây tổn thương mô thận)...
Thận có nhiệm vụ lọc chất thải và điều chỉnh lượng nước cũng như axit trong máu. Do đó, những bệnh khiến thận bị tổn thương cũng có thể dẫn tới nguy cơ mắc thận mạn tính. Trong đó, phổ biến là các bệnh:
Bệnh tiểu đường: Khoảng 40% bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh thận mạn và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra CKD trên toàn thế giới.
Cao huyết áp: Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của bệnh thận mạn tính. Bệnh làm tổn thương trực tiếp các nephron của thận (đơn vị lọc bao gồm cầu thận và ống thận).
Viêm cầu thận: Là bệnh thường ảnh hưởng đến cả hai thận và có thể xảy ra khi vi khuẩn tấn công thận hoặc do một bệnh lý khác gây nên.
Nguyên nhân ít phổ biến hơn dẫn tới CKD bao gồm: Nhiễm độc kim loại nặng như chì, hội chứng tan máu-urê huyết (tình trạng các tế bào hồng cầu bị vỡ làm tắc bộ lọc thận (chỉ xảy ra ở trẻ em), viêm gan B và viêm gan C, viêm thận kẽ, viêm ống thận do sử dụng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh trong thời gian dài...
Biện pháp phòng ngừa
Để giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn, nên chú trọng tới các bệnh nền tiểu đường và huyết áp cao. Đây chính là hai trong số những mối đe dọa lớn nhất đối với chức năng thận.
Nhiều người bị đái tháo đường hoặc huyết áp cao nhưng không biết, vì vậy, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm. Với những bệnh nhân đã bị tiểu đường hoặc tăng huyết áp, cần kiểm soát tốt để thận không bị ảnh hưởng do lượng đường trong máu cao hoặc huyết áp cao gây ra.
Ngoài ra, việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu, thường xuyên vận động và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng là cách để giúp thận luôn khỏe mạnh. Nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh thận, tiểu đường hoặc huyết áp cao, nên theo dõi sức khỏe tổng quát và kiểm tra các chỉ số thường xuyên, bao gồm: xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra chỉ số protein, creatinin, glucose (đường) hoặc máu trong nước tiểu, đo huyết áp để duy trì ở mức bình thường, xét nghiệm đường huyết khi đói để đo lượng đường trong máu.
Một xét nghiệm máu khác có thể được chỉ định để xác định bệnh tiểu đường là hemoglobin A1C, nhằm đo mức đường huyết trung bình trong vòng 2 đến 3 tháng qua.
Bảo Bảo (Theo WebMD, Very Well Health)