Ung thư trực tràng chủ yếu phát triển từ những khối u hình thành bên trong trực tràng, còn gọi là polyp. Không phải tất cả polyp đều tiến triển thành ung thư. Polyp u tuyến, polyp chứa các tế bào bất thường (gọi là polyp loạn sản), polyp có kích thước hơn 1 cm có khả năng chuyển thành ung thư cao hơn. Nhận diện các yếu tố nguy cơ từ lối sống và điều chỉnh theo hướng tích cực, góp phần ngăn chặn bệnh.
Thừa cân hoặc béo phì
Chỉ số khối cơ thể (BMI) của người châu Á khoảng từ 18,5 đến 22,9 kg/m2, thuộc nhóm cân nặng bình thường, BMI trên 30 là thừa cân, béo phì. Người béo phì có khả năng mắc loại nhiều bệnh như gan, tiểu đường cao hơn. Lượng mỡ tích tụ, nhất là vùng mỡ bụng và hông chèn ép các cơ quan tiêu hóa, làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Chất béo thừa dễ gây viêm, tăng lượng insulin trong máu, thúc đẩy tế bào ung thư phát triển.
Lười vận động
Không vận động hay ít vận động dẫn đến quá trình tiêu hóa chậm hơn bình thường, chất thải tích tụ ngày càng nhiều trong ruột già. Ruột già tiếp xúc thường xuyên với các chất gây ung thư, khiến nguy cơ mắc bệnh tăng.
Người trưởng thành nên tập thể dục thường xuyên. Chọn bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, đạp xe, để tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày và tối đa 5 buổi một tuần. Nếu thực hiện bài tập cường độ cao như tập tạ, leo núi, chạy marathon, người tập có thể giảm cường độ và thời gian so với các môn thể dục nhẹ nhàng. Tập luyện vừa sức, không để cơ thể quá tải làm ảnh hưởng sức khỏe chung.
Uống nhiều rượu và hút thuốc
Nguy cơ mắc ung thư đại tràng của một người tăng theo số năm hút thuốc và mức độ hút thuốc. Thói quen uống rượu thường xuyên là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư trực tràng. Rượu thúc đẩy các polyp u tuyến, polyp loạn sản phát triển nhanh và bất thường hơn, dễ tiến triển thành ung thư. Rượu còn là tác nhân dẫn đến nhiều loại ung thư khác như phổi, gan, dạ dày...
Nguy cơ ung thư tỷ lệ thuận với lượng rượu và thời gian tiêu thụ. Người uống nhiều rượu nhưng lười vận động, thể trạng béo phì có nguy cơ ung thư cao hơn người uống rượu bình thường và chăm tập thể dục thể thao.
Dinh dưỡng không khoa học
Ăn nhiều chất béo và cholesterol, nhất là thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu và thịt lợn), dễ mắc ung thư trực tràng hơn. Người lớn không nên ăn quá 500 g thịt đỏ mỗi tuần. Hạn chế thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt hộp, lạp xưởng để ngăn ngừa ung thư. Bởi loại thịt này nhiều muối, chất bảo quản, trải qua nhiều công đoạn chế biến, không có lợi cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị hạn chế thịt đỏ, mỗi người nên tăng cường tiêu thụ trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt để giảm nguy cơ ung thư trực tràng.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |