Điều trị ung thư phổi cho người già, nhất là từ 80-90 tuổi thường khó khăn hơn người trẻ do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Bệnh đi kèm: Bệnh nhân ung thư lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh khác nhau như: phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khí phế thủng, tiểu đường, đau nhức xương khớp, huyết áp cao... Khi người bệnh sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc, hiệu quả điều trị ung thư chịu một số ảnh hưởng nhất định.
Khối lượng nạc cơ thể ít: Khối lượng nạc của cơ thể người lớn tuổi có xu hướng giảm nhanh. Cân nặng không đảm bảo nên có thể khiến người bệnh không chịu được quá trình điều trị. Người bệnh phải đối diện với nguy cơ mắc chứng suy mòn, sụt cân ngoài ý muốn, chán ăn, suy nhược khối cơ.
Suy giảm chức năng thận hoặc gan: Suy giảm chức năng cơ thể là quá trình tất yếu xảy ra khi già đi. Trong đó, suy giảm chức năng gan, thận khiến một số phương pháp điều trị bằng thuốc gặp vấn đề.
Dự trữ tủy xương ít: Điều này xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến ức chế tủy xương do hóa trị.
Bên cạnh xem xét các yếu tố trên, bác sĩ cũng cân nhắc tình trạng dinh dưỡng, mức độ hoạt động, sinh hoạt hằng ngày, hỗ trợ xã hội, môi trường và gia đình khi điều trị cho những nhóm người này. Tùy vào từng giai đoạn, ung thư phổi có những phương pháp điều trị khác nhau. Ở giai đoạn đầu ung thư phổi được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị. Khi ở giai đoạn tiến triển, bệnh có nhiều lựa chọn điều trị khác như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Ung thư được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, cơ hội khỏi bệnh cao hơn.
Theo thống kê của Hội Ung thư Mỹ (ACS), ung thư phổi phổ biến ở nhóm từ 65-74 tuổi, nhóm tuổi trên 75 đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới. Một số triệu chứng ung thư phổi thường gặp ở nhóm tuổi này bao gồm: ho dai dẳng; đau ngực, khó thở; đau lưng và đau bụng xuất hiện khi khối u di căn xương; đau đầu và thay đổi dị giác xảy khi khối u di căn não. Người bệnh cũng cảm thấy mệt mỏi, tình trạng kéo dài, khó cải thiện sau một đêm ngon giấc, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, giảm cân ngoài ý muốn, nổi hạch...
Có thể giảm nguy cơ mắc loại ung thư này bằng cách: thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, giữ cân nặng ổn định, thường xuyên vận động, bỏ và tránh ra khói thuốc lá, không uống rượu bia, hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và chất gây độc hại, khám sức khỏe định kỳ...
Anh Chi (Theo Very Well Health)