BS.CKII Võ Đôn (Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chẩn đoán bà Vũ Kim (quận Tân Phú) bị nhược cơ giai đoạn IIB. Trước đó, bà đã khám và điều trị ở một bệnh viện, tăng liều và phối hợp thuốc nhưng tình trạng yếu cơ ngày càng nặng.
Kết quả chụp CT lồng ngực cho thấy, bà có một khối u tuyến ức kích thước 4x4 cm. Theo bác sĩ Đôn, đây là căn nguyên gây nên tình trạng nhược cơ kéo dài vì chưa được điều trị triệt để. Bệnh nhân cần phẫu thuật cắt khối u để ngăn sản xuất chất ức chế dẫn truyền thần kinh cơ, cải thiện triệu chứng yếu cơ.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng (Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực) cùng êkip phẫu thuật nội soi lồng ngực cho người bệnh. Theo bác sĩ, phương pháp mổ truyền thống (mở lồng ngực với đường mổ dài) khiến bệnh nhân đau nhiều, chậm hồi phục. Hiện nay, với phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ với hai đường mổ nhỏ (khoảng 1-2 cm ở thành ngực) kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP), bệnh nhân ít mất máu, không cần dùng morphin giảm đau sau mổ. Sau hơn một giờ phẫu thuật, toàn bộ khối u và mô mỡ trung thất trước (ở lồng ngực) được lấy trọn vẹn, gửi giải phẫu bệnh.
Bệnh nhân được rút nội khí quản sau 6 giờ, mí mắt đỡ nặng, chức năng vận động cải thiện. Sau khi xuất viện, bà tiếp tục được điều trị nhược cơ với liều thuốc thấp hơn.
Nhược cơ là một bệnh tự miễn, do cơ thể tự sản sinh ra chất chống lại nó. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng do yếu cơ như: nhìn đôi hoặc nhìn mờ (yếu cơ mắt), sụp mí mắt (yếu cơ mí mắt), khó nói và nuốt (yếu cơ cổ họng), giới hạn chức năng vận động (yếu cơ tứ chi), thậm chí khó thở (yếu cơ hô hấp).
Bác sĩ Đôn dẫn các nghiên cứu cho thấy, bệnh lý nhược cơ chiếm khoảng 0,02% dân số, trong đó có 10% trường hợp bị nhược cơ có u tuyến ức. Tình trạng này gây ảnh hưởng lâu dài nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Có nhiều phương pháp điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp, giúp giảm triệu chứng bệnh. Tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng và tốc độ tiến triển, bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp như thuốc, truyền kháng thể, lọc huyết tương...
Đối với nhược cơ có u tuyến ức, phẫu thuật cắt bỏ khối u giúp cải thiện triệu chứng và có trường hợp không tái phát. Bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ không có u tuyến ức nhưng đáp ứng kém với điều trị nội khoa cũng có thể được cân nhắc áp dụng phương pháp này.
Bác sĩ Dũng lưu ý, người bệnh cần tập vật lý trị liệu nhằm khôi phục khả năng vận động, tập thở để kích thích nở phổi, kiểm soát nhược cơ tiến triển sau mổ. Nếu làm tốt công tác hậu phẫu, bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường và giảm dần lượng thuốc điều trị nhược cơ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.