Trả lời:
Nhịp tim khi nghỉ ngơi của người trưởng thành khỏe mạnh dao động từ 60-100 nhịp một phút. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu bạn tiêu thụ một lượng rượu bia trong giới hạn cho phép (tương đương một ly bia 360 ml, ly rượu vang 150 ml hoặc một ly cocktail chứa 45 ml rượu mạnh) nhịp tim vào ban đêm tăng 4% so với khi không uống rượu. Sau đó, nhịp tim sẽ trở lại bình thường vào sáng hôm sau. Tuy nhiên nếu uống một lượng lớn hơn, nhịp tim vào ban đêm có thể tăng vọt 14%, vẫn tăng nhẹ vào buổi sáng khi thức dậy.
Đầu tiên, khi uống rượu, cơ thể sẽ chuyển hóa đường thành năng lượng. Quá trình này làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến nhịp tim cao hơn. Lý do thứ hai là bia có chứa cồn - một chất kích thích có khả năng làm tăng nhịp tim, huyết áp. Ngoài ra, bia thường có gas và quá trình carbon hóa cũng có thể dẫn đến hiện tượng tim đập nhanh. Một nguyên nhân nữa là do cơ thể bị mất nước khi uống bia rượu. Lúc này, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Cuối cùng, có thể do bạn nhạy cảm với rượu, bia hoặc với một trong các thành phần có trong đồ uống, điều này khiến nhịp tim tăng lên.
Nếu bạn khỏe mạnh, thỉnh thoảng tim đập nhanh sau khi uống rượu bia thì chỉ cần theo dõi. Nhưng nếu cơ thể có bất thường tim mạch hoặc đang sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến tim, rượu, bia sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Biến chứng xảy ra do các đợt nhịp tim nhanh do rượu bia là không giống nhau, tùy thuộc vào tần suất, thời gian, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là hình thành cục máu đông - căn nguyên của nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim).
Trường hợp của bạn, trước kia uống rượu bia không sao nhưng gần đây có biểu hiện tim đập nhanh, tăng huyết áp, khó thở. Đây chính là tín hiệu từ cơ thể cho thấy sức khỏe tim mạch bị ảnh hưởng bởi thức uống có cồn. Do đó trước mắt, bạn nên kiêng uống rượu, bia. Ngoài ra, nếu có thêm tình trạng rối loạn nhịp tim, cần hạn chế các chất kích thích khác như thuốc lá, cafein... và thăm khám kiểm tra sức khỏe tim mạch sớm.
Nếu phải tham gia các buổi tiệc, bạn hãy cố gắng kiểm soát lượng rượu, bia sử dụng ở mức tối thiểu. Sau mỗi buổi tiệc, có thể áp dụng các biện pháp giúp cải thiện tình trạng tim đập nhanh như: uống nhiều nước giúp làm loãng nồng độ cồn trong máu; dùng các loại trà giúp giải rượu bia (trà gừng, trà atiso, trà xanh, trà chanh mật ong...). Bên cạnh đó, bạn nên thực hành các bài tập thở, tập yoga hoặc thiền để cơ thể thư giãn hoàn toàn, đi bộ chậm hoặc tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng...
ThS.BS Lê Mạnh Tăng
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội