Trả lời:
Về mặt giải phẫu, cấu trúc của mỗi bên tai là độc lập, không thông với nhau. Mỗi một bên tai sẽ có một đường thông riêng đến mũi, gọi là vòi nhĩ. Cho nên, trẻ bị kiến chui vào một bên tai mà bịt tai còn lại, bịt mũi, bịt miệng vì nghĩ rằng kiến thiếu không khí sẽ chui ra là chưa đúng.
Xử trí trường hợp có côn trùng chui vào tai sai cách có thể dẫn đến viêm tai ngoài, thậm chí làm tổn thương tai gây thủng màng nhĩ. Do đó, khi nghi ngờ có côn trùng chui vào tai, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ tai mũi họng nội soi tai, kiểm tra và lấy côn trùng ra khỏi tai (nếu có). Ngoài ra, việc bịt mũi, miệng của trẻ cũng rất nguy hiểm vì có thể nghẹt thở dẫn đến suy hô hấp.
Tình trạng côn trùng chui vào tai rất phổ biến, nhất là trẻ sống trong môi trường gần gũi với thiên nhiên như gần rẫy, đồi, rừng, sông suối. Côn trùng chui vào tai không chỉ gây nhiễm trùng, nhiều loài còn có thể ký sinh, đẻ ấu trùng trong tai. Ấu trùng có thể xâm nhập sâu vào tai, đục thủng màng nhĩ, di chuyển vào các tổ chức phức tạp trong mũi xoang, não rất nguy hiểm.
Để phòng ngừa nguy cơ côn trùng chui vào tai trẻ, phụ huynh nên chú ý vệ sinh phòng ngủ của bé hàng ngày. Tránh để làm rơi vãi đồ ăn thức uống, nhất là bánh kẹo ngọt ra nôi, giường ngủ thu hút kiến và các loại côn trùng khác. Không nên cho trẻ tắm ở những vùng nước bị ô nhiễm hoặc vùng nước hoang dã trong tự nhiên như suối rừng, đầm, hồ. Không nên cho trẻ ngủ ở những nơi quá nhiều cây cối, phòng ốc thông thiên dễ bị côn trùng xâm nhập.
Khi trẻ có vết thương hở ở tai hoặc tổn thương trong tai do viêm tai, phụ huynh cần chú ý vệ sinh sạch dịch mủ theo hướng dẫn của bác sĩ, có biện pháp che chắn, bảo vệ tai, tránh thu hút côn trùng. Không để ruồi tiếp xúc với tai bị tổn thương của trẻ vì chúng có thể làm lây lan các ký sinh trùng khiến nhiễm trùng nặng hơn. Chúng cũng có thể đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng (dòi) gây nhiễm trùng, phá vỡ các mô trong tai. Ấu trùng cũng có thể di chuyển tới nhiều cấu trúc thông nhau, nguy hiểm tính mạng.
Mùa hè là thời điểm các loại côn trùng như ruồi, muỗi, kiến sinh sôi và phát triển mạnh nhất. Phụ huynh cũng nên có các biện pháp xua đuổi, tiêu diệt côn trùng khỏi môi trường sống của trẻ như phun thuốc diệt côn trùng định kỳ, sử dụng lưới đuổi ruồi muỗi.
Băng phiến (long não) có thể đuổi côn trùng nhưng độc hại và nguy hiểm cho trẻ nếu nuốt phải. Các loại băng phiến có kích thước, màu sắc rất giống kẹo rất thu hút và gây nhầm lẫn cho trẻ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Nguy cơ trẻ ăn, nuốt băng phiến là rất cao. Nuốt phải băng phiến có thể ngộ độc, nôn ói, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau bụng, mất tri giác hoặc tổn thương vùng da tiếp xúc. Trẻ ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM