Chị Xuân, 25 tuổi, bị hôi nách 10 năm nay, ngày càng nặng, dẫn đến rối loạn lo âu. Càng căng thẳng, sợ hãi thì mồ hôi và mùi hôi càng nhiều. Chị thử nhiều cách như chà chanh tươi, phèn chua, dầu gió, lá trầu... nhưng không hiệu quả.
Hai năm trước, chị Xuân đến một thẩm mỹ viện đốt điện phá hủy tuyến mồ hôi nách, giảm được khoảng 1/3 mùi. Chị tiêm thêm botox, tình trạng giảm khoảng 30% nhưng mỗi 6 tháng phải tiêm lại, mỗi lần gần 10 triệu đồng, tốn kém nên tìm cách điều trị khác.
Còn anh Tuấn, 30 tuổi, nhân viên công nghệ ở TP HCM, bị hôi nách khoảng một năm nay. Anh mất khứu giác sau khi mắc Covid-19 lần hai nên chỉ biết cơ thể mình có mùi khi được mọi người nhắc nhở. Từ đó, anh mang mặc cảm, thường xin làm việc ở nhà, hạn chế tới công ty, dừng chơi thể thao. Anh chi 12 triệu đồng mua liệu trình triệt hôi nách tại một spa, được cam kết "hết mùi 100%, bảo hành trọn đời". Tuy nhiên, sau 4 lần chiếu laser, mùi giảm không đáng kể.
Ngày 17/4, BS.CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ba tháng đầu năm nay, số bệnh nhân điều trị tăng tiết mồ hôi tại bệnh viện tăng khoảng 40% so với quý trước, trung bình mỗi tháng khoảng 50 trường hợp. Mùa nóng, số bệnh nhân tiếp tục tăng, chủ yếu là người trẻ tuổi, nữ nhiều hơn nam.
Điểm chung của hầu hết người bệnh là từng xoay xở đủ cách để giảm mùi hôi dưới cánh tay nhưng không hiệu quả. Một số trường hợp gặp các biến chứng như bỏng da, nhiễm trùng, sẹo co rút vùng nách, tăng sắc tố da do điều trị không đúng cách.
Da có hai tuyến mồ hôi gồm tuyến mồ hôi nước và tuyến mồ hôi dầu. Tuyến mồ hôi nước phân bố khắp cơ thể, tiết trực tiếp lên bề mặt da để làm mát, điều hòa thân nhiệt. Tuyến mồ hôi dầu (apocrine) chỉ có ở một số bộ phận như nách, vùng kín. Ở tuổi dậy thì, sự thay đổi nội tiết làm cho tuyến apocrine hoạt động, tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein. Hệ vi khuẩn trên da phân hủy các chất nhờn này, tạo ra mùi.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng do vận động nhiều, căng thẳng, hai tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn để điều hòa thân nhiệt, càng có nhiều thức ăn cho vi khuẩn. Một số trường hợp đổ rất ít mồ hôi nước, nhưng đổ nhiều mồ hôi dầu nên vẫn xuất hiện mùi.
"Nhiều người không biết tới cơ chế tạo mùi này nên áp dụng các phương pháp dân gian như dùng phèn chua, đắp lá trầu... ít hiệu quả, chỉ giảm mùi trong thời gian ngắn", bác sĩ Duy nói, thêm rằng các phương pháp được quảng cáo "đốt cháy tuyến mồ hôi nách" như đốt điện, chiếu tia plasma... thực chất chưa được cấp phép thực hiện tại spa do nguy cơ tai biến cao như bỏng, hoại tử, sẹo.
Hiện phương pháp điều trị mồ hôi nách không cần phẫu thuật đã được cấp phép là dùng thuốc bôi tại chỗ, tiêm botulinum toxin và công nghệ vi sóng (microwave).
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chị Xuân và anh Tuấn được điều trị bằng công nghệ microwave. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, tác động trực tiếp vào tuyến mồ hôi, phá hủy làm tuyến mất đi chức năng tiết mồ hôi. Microwave có tác dụng gần như vĩnh viễn sau 1-2 liệu trình.
Sau khi sát khuẩn, tiêm thuốc tê giảm đau và vẽ sơ đồ vùng điều trị bằng dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ dùng đầu máy đặt đúng vào từng điểm định vị. Năng lượng vi sóng phát ra tập trung phá hủy tuyến mồ hôi ở sâu dưới da. Tuyến mồ hôi bị hủy bởi nhiệt độ cao, không thể phục hồi. Máy còn có cơ chế làm lạnh đồng thời, giúp bảo vệ các mô xung quanh và phần bề mặt da không bị tổn thương nhiệt.
Tái khám sau hai tuần, tình trạng tăng tiết mồ hôi và mùi hôi của hai người bệnh giảm khoảng 70-80%. Với phần mùi còn lại, người bệnh cần kiểm soát bằng cách vệ sinh cơ thể sạch sẽ, dùng lăn khử mùi có chứa muối nhôm clorua, hạn chế ăn đồ dầu mỡ, có mùi như hành, tỏi...
Với sản phẩm thuốc bôi tại chỗ thường chứa muối nhôm clorua, ở dạng xịt hoặc lăn nách. Muối nhôm làm tắc các ống tiết mồ hôi, giảm tăng tiết mồ hôi và mùi hôi vùng nách tạm thời nên phải dùng lặp lại hàng ngày. Chất clorua có tính tẩy nên có thể kích ứng, viêm da; khi mặc quần áo màu đen có thể làm bay màu hoặc ố vàng với áo sáng màu.
Tiêm botulinum toxin (botox) là phương pháp tiêm trực tiếp thuốc vào vùng điều trị, nhằm ức chế đường dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm chức năng kích hoạt tuyến mồ hôi. Nhờ đó giảm tiết mồ hôi, hiệu quả kéo dài 3-6 tháng. Người bệnh phải tiêm lại mỗi 6 tháng để duy trì hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM còn điều trị tăng tiết mồ hôi bằng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt hạch giao cảm với hai đường mổ nhỏ khoảng 0,5 cm vùng nách.
Bác sĩ Duy lưu ý hiện chưa có phương pháp nội khoa nào triệt được mồ hôi tuyệt đối, hiệu quả điều trị đạt tối đa 80-90% bởi cơ thể có cơ chế tăng tiết mồ hôi bù trừ. Ví dụ, nếu triệt tuyến mồ hôi ở nách thì cơ thể tự điều chỉnh để tăng tiết mồ hôi ở các vị trí khác như lưng, ngực, bụng nhằm điều hòa nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, điều trị mùi hôi nách rất cần thiết cho người bệnh, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý. Sau điều trị, người bệnh cần tiếp tục kiểm soát chế độ ăn uống, vận động, cảm xúc để giảm mùi.
Có nhiều nguyên nhân khiến vùng dưới cánh tay đột ngột xuất hiện mùi khó chịu. Ngoài vệ sinh cá nhân kém hay hoạt động thể chất nhiều, chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm gây tăng mùi, việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai, trong thời gian cho con bú hoặc sử dụng hormone ngoại sinh, mắc các bệnh nội khoa khác cũng khiến mồ hôi có mùi. Người bệnh nên đi khám tại các bệnh viện uy tín để được đánh giá tình trạng, chọn phương pháp điều trị tối ưu.
Anh Thư
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |