Đổ mồ hôi ở nhiều vùng cơ thể, nhất là vùng dưới cánh tay, thường kèm theo mùi khó chịu. Theo ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tăng tiết mồ hôi không nguy hiểm, nhưng khiến người bệnh tự ti, ảnh hưởng đến giao tiếp, công việc.
Thông thường tuyến mồ hôi hoạt động mạnh để làm mát cơ thể trong môi trường nhiệt độ cao, vận động mạnh, sốt, căng thẳng. Tuy nhiên, với người bị chứng tăng tiết mồ hôi, tuyến này hoạt động mạnh trong mọi hoàn cảnh. Mồ hôi có mùi khó chịu do tuyến mồ hôi dầu (apocrine) tiết ra nhiều chất như protein, chất béo, cholesterol. Ban đầu các chất này không có mùi, vô khuẩn nhưng khi hệ vi khuẩn trên da phân hủy, gây ra mùi.
Theo bác sĩ Thư, mùi hôi có thể được kiểm soát khi điều trị tối ưu tình trạng tăng tiết mồ hôi. Hiện nay, ngoài phẫu thuật xâm lấn (cắt hạch thần kinh giao cảm, đốt tuyến mồ hôi...) còn có các phương pháp không "động dao kéo" khá phổ biến giúp điều trị bệnh này.
Thuốc bôi tại chỗ: Người bị tăng tiết mồ hôi nhẹ có thể sử dụng sản phẩm có chứa muối nhôm clorua. Muối nhôm có tác dụng làm tắc các ống tiết mồ hôi ở nách tạm thời. Các sản phẩm này dễ sử dụng, có nhiều trên thị trường, ở dạng xịt khử mùi, lăn khử mùi. Tuy nhiên muối nhôm không có hiệu quả lâu dài nên phải sử dụng lặp lại mỗi ngày. Chất clorua có tính tẩy nên có thể kích ứng, viêm da; khi mặc quần áo màu đen có thể làm bay màu hoặc ố vàng với áo sáng màu.
Tiêm botox: Botox (viết tắt của botulinum toxin) có nguồn gốc từ vi khuẩn clostridium botulinum. Phương pháp này có thể áp dụng với tất cả trường hợp tăng tiết mồ hôi ở tay, chân, lưng, ngực, vùng dưới cánh tay, bác sĩ Thư cho biết. Botox ngăn chặn các dây thần kinh kích thích tuyến mồ hôi, có hiệu quả 3-6 tháng. Botox tự đào thải khỏi cơ thể theo thời gian. Do đó, người bệnh phải tiêm lại nhiều lần để duy trì hiệu quả lâu dài, chi phí khá cao.
Bác sĩ Thư lưu ý nếu tiêm botox ở tay, chân người bệnh phải gây tê. Sau khi hết thuốc tê, vị trí tiêm tại các đầu ngón tay chân có thể rất đau do ở đây nhiều dây thần kinh cảm giác. Biến chứng hoại tử và viêm tắc tuyến mồ hôi gây đau và nhiễm trùng cũng có thể xảy ra nếu tiêm sai cách, liều lượng hay vị trí.
Công nghệ vi sóng (microwave): Sử dụng năng lượng vi sóng, phát ra năng lượng tập trung phá hủy tuyến mồ hôi ở sâu dưới da. Tuyến mồ hôi bị nhiệt phân vĩnh viễn, không thể phục hồi. Máy có cơ chế làm lạnh đồng thời, bảo vệ các mô xung quanh tuyến mồ hôi và phần bề mặt da khỏi tổn thương nhiệt.
Bác sĩ Thư đánh giá công nghệ này xâm lấn tối thiểu, hiệu quả giảm tăng tiết mồ hôi ngay lập tức, có tác dụng gần như vĩnh viễn sau 1-2 liệu trình; giúp da dưới cánh tay sáng màu hơn và giảm lượng lông. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được với vùng nách, chi phí cao. Sau điều trị, người bệnh có thể sưng đau, bầm tím nhẹ ở vùng này vài ngày hoặc hiếm hơn là tê tay. Nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật, người bệnh có thể bị bỏng.
Điện di ion (điện chuyển ion): Một dòng điện với cường độ thấp được áp vào trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân của người bệnh ở trong một dung dịch điện giải. Các phân tử ion vô hiệu hóa hoạt động của tuyến mồ hôi.
Phương pháp này được thực hiện khoảng vài lần một tuần. Hiệu quả có thể khoảng 2-4 tháng. Tuy nhiên, điện di cũng có khả năng gây kích ứng da, cảm giác châm chích sau khi làm và phù hợp với vùng bàn tay, bàn chân. Theo bác sĩ Thư, tại Việt Nam chưa có nhiều nơi thực hiện điện di ion trị tăng tiết mồ hôi.
Thư Anh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |