Trả lời:
Xóa xăm là quá trình loại bỏ hình xăm trên da. Do mực xăm nằm sâu dưới lớp biểu bì nên xóa khá phức tạp và chi phí cao hơn so với xăm hình rất nhiều.
Các hình xăm nhỏ và đơn giản được loại bỏ khá nhanh chóng. Hình xăm kích thước lớn, nhiều màu mực, xăm lâu năm, hình xăm chuyên nghiệp... khó xóa hơn. Kết quả xóa xăm của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào màu mực, loại mực, độ sâu của mực xăm, cơ địa và phương pháp thực hiện. Xóa xăm có để lại sẹo hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là phương pháp xóa xăm.
Các phương pháp xóa xăm phổ biến hiện nay gồm sử dụng tia laser, phẫu thuật cắt bỏ và mài mòn da. Xóa xăm bằng laser là phương pháp sử dụng tia laser năng lượng cao để phá hủy hạt mực xăm thành những mảnh vỡ nhỏ, ít gây tổn thương đến mô lành. Laser có lượng nhiệt phát ra đồng đều giúp tăng hiệu quả xóa xăm và giảm tổn thương cho bề mặt da, ít có nguy cơ để lại sẹo sau khi điều trị.
Hình xăm nhiều màu có thể được điều trị bằng nhiều loại laser và bước sóng khác nhau. Có nhiều công nghệ laser xóa xăm, trong đó Laser Picosecond (gọi tắt là Laser Pico) là bước tiến trong xóa xăm hiện nay. Công nghệ này có khả năng tác động chính xác đến sắc tố mục tiêu mà ít gây tổn thương mô xung quanh, hiệu quả cao, ít làm tăng sắc tố sau viêm. Việc đáp ứng điều trị nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào thành phần mực xăm cũng như độ sâu của mực trong da.
Xóa xăm bằng phương pháp mài da, lột da bằng hóa chất và phẫu thuật cắt bỏ da sẽ loại bỏ trực tiếp vùng da có mực xăm. Tuy nhiên, những cách này có nguy cơ cao để lại sẹo sau điều trị, nhất là người có cơ địa sẹo lồi, sẹo phì đại. Sau khi xăm hình, cần chờ ít nhất 6-8 tuần mới nên tiến hành xóa xăm. Hơn nữa, mỗi hình xăm cần 5-10 lần điều trị hoặc nhiều hơn để xóa hoàn toàn với mỗi lần cách nhau 4-8 tuần.
Chăm sóc da sau điều trị xóa xăm cũng ảnh hưởng đến việc có để lại sẹo hay không. Sau khi xóa xăm, nên làm sạch da nhẹ nhàng với nước ấm hoặc xà phòng dịu nhẹ, tránh cọ xát mạnh gây tổn thương. Đồng thời, bôi kem chống viêm (trong một số trường hợp) và kem dưỡng ẩm theo chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh chóng lành thương, giảm sẹo.
Một số rủi ro và biến chứng khác có thể xảy ra khi xóa xăm mà bạn cần lưu ý như kích ứng, đau, sưng, tấy đỏ, thay đổi màu da vùng điều trị. Nếu gặp phản ứng như ngứa hoặc sưng viêm nghiêm trọng, bạn nên đến bác sĩ khám ngay. Để giảm rối loạn sắc tố, hãy tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nên sử dụng kem chống nắng.
Nếu bạn muốn xóa xăm nên đến các bệnh viện có chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da uy tín để đảm bảo an toàn và hạn chế để lại sẹo.
Bác sĩ CKI Quách Thị Bích Vân
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da,
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |