Sẹo là kết quả của quá trình lành thương, hình thành sau khi mô bị mất đi hoặc tổn thương. Khi đó, da tự phục hồi bằng cách phát triển mô mới để kéo miệng vết thương lại với nhau, lấp đầy những khoảng trống do vết thương tạo thành. Trong quá trình này, tùy khả năng hồi phục mà da để lại nhiều loại sẹo, như sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo co rút, sẹo phì đại, sẹo thâm... Sẹo thường tồn tại vĩnh viễn, có thể gây đau, ngứa, mất thẩm mỹ.
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn chăm sóc vết thương đúng cách, hạn chế hình thành sẹo xấu bao gồm:
Làm sạch: Rửa vết thương bằng nước sạch, lấy hết bụi bẩn, dị vật nếu có, sau đó sát khuẩn bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn hay thuốc tím pha loãng. Không nên sử dụng các chất sát khuẩn mạnh như oxy già, cồn làm sạch vết thương vì có thể gây bỏng, tổn thương tế bào lành và khiến cho da chậm liền.
Nếu vết thương lớn, sâu, chảy nhiều máu, ở vị trí trọng yếu hoặc có thể ảnh hưởng thẩm mỹ, sau khi sơ cứu, người bệnh nên đến bệnh viện điều trị. Chỉ khâu giúp đóng và lành nhanh hơn với những vết thương hở sâu, có kích thước lớn. Người bệnh nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc để giảm khả năng tạo sẹo.
Dưỡng ẩm: Vết thương để khô trong không khí dễ bị đóng vảy, khó hình thành lớp da mới. Với vùng tổn thương lớn, da khô quá bị co rút, ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ.
Thoa các loại dưỡng ẩm có thành phần dịu nhẹ, lành tính phối hợp với thành phần có các hoạt chất hỗ trợ điều trị sẹo hàng ngày, giúp giảm ngứa, ngăn hình thành sẹo. Việc dưỡng ẩm cần tiếp tục cho đến khi vết thương hở có lớp da mới hoặc vết khâu được cắt chỉ. Nên tránh để dính nước vì có thể gây nhiễm trùng và làm chậm quá trình lành thương.
Băng vết thương: Nếu vết thương ở những vùng dễ tiếp xúc với môi trường bên ngoài, sau khi làm sạch, cần thấm khô và băng bằng băng gạc vô khuẩn để ngăn chặn nhiễm khuẩn. Không nên băng quá chặt hoặc quá lỏng, tạo áp lực vừa phải để không hình thành sẹo, nhất là sẹo lồi. Tùy tình trạng, vị trí, mức độ nặng và tiến triển của vết thương mà điều chỉnh việc băng kín.
Cần thay băng 1-2 lần mỗi ngày. Ngoài băng gạc y tế thông thường, có thể sử dụng keo dán, gel silicon, miếng dán silicon hoặc hydrogel.
Không cậy mài, bóc vảy: Vết thương khép miệng sẽ hình thành một lớp mài, hơi ngứa hoặc khó chịu. Khi lớp mài tự rụng đi cũng là lúc các mô hạt, collagen, elastin... dưới da đã tái tạo gần xong, vết thương đã được làm lành gần như hoàn chỉnh.
Bóc lớp mài này sớm sẽ mở lại miệng vết thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và góp phần tạo ra sẹo xấu sau này. Cách không để lại sẹo tốt nhất là giữ lớp mài bong tự nhiên.
Chống nắng: Bề mặt sẹo là vùng da non, dễ tổn thương, rối loạn sắc tố (thâm, đỏ hoặc đen) dưới ánh nắng mặt trời. Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, thoa lặp lại mỗi 2-3 giờ; che chắn bằng áo quần, mũ... giúp vết sẹo không bị tăng sắc tố và nhanh mờ hơn.
Không thoa thuốc trị sẹo khi vết thương chưa lành: Chăm sóc đúng cách là việc cần thực hiện trước để ngăn ngừa hoặc giảm sẹo. Hãy đợi cho đến khi mài đã đóng hẳn, bong tự nhiên và lớp da mới hình thành mới bắt đầu bôi bất kỳ sản phẩm trị sẹo nào. Không nên dùng thuốc trị sẹo trên vết thương hở.
Để vết thương mau lành, da tái tạo nhanh và ít để lại sẹo, bác sĩ Thư khuyến cáo bổ sung các loại thực phẩm giàu protein, kẽm, vitamin C và A.
Thư Anh
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |