Anh Tùng, 37 tuổi, một game artist ở quận Gò Vấp, TP HCM đã thất nghiệp từ đầu năm nay. Cuối năm ngoái anh từng đậu phỏng vấn một công ty game nhưng chỉ vài tháng sau nhận được thông báo cắt giảm nhân sự, giải thể nhiều phòng ban. Hụt hẫng nhưng Tùng chưa quá căng thẳng vì có tiền tích lũy và việc freelance nên giai đoạn đầu chỉ rải hồ sơ, chờ phỏng vấn.
Sang năm 2023 thị trường tuyển dụng ảm đạm hơn, nhiều người mòn mỏi tìm việc. Nếu như cuối năm trước, các nơi anh ứng tuyển có xác suất phản hồi khá cao, tỉ lệ đậu vòng hai cũng hơn 60%. Năm nay rải CV từ tháng 1 mà đến tháng 3 chỉ lác đác cuộc gọi sàng lọc, chứ không chốt được phỏng vấn.
Chỉ một lần duy nhất Tùng được một công ty game gọi đến phỏng vấn. Buổi phỏng vấn suôn sẻ, nhưng Tùng không đậu vì lý do tuổi tác. Giám đốc marketing 27 tuổi nói lý do không nhận vì e ngại tuổi của Tùng "hay có ý kiến, khó tiếp nhận cái mới". Tùng nói mình là người luôn học hỏi, cầu tiến, hơn nữa còn có thời gian thử việc mới biết có thật sự phù hợp không.
"Đây mới chỉ là phỏng vấn mà anh đã ý kiến này kia rồi, tuyển anh về em sợ nói anh không nghe'", người phỏng vấn nói.
Tùng đứng dậy đi về luôn. Lúc đó anh vẫn chưa tin có sự phân biệt tuổi tác khi tuyển dụng. "Tới khi một người bạn làm tuyển dụng lâu năm tình cờ thấy hồ sơ xin việc của tôi mới nói rằng tuổi tác đang cản trở tôi được gọi phỏng vấn", anh kể.
Tham gia một phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội cuối tháng 6, chị Trà My, 45 tuổi, kỹ sư xây dựng mất việc hơn nửa năm cho biết đang phải học thêm ngoại ngữ và phần mềm để dễ đậu việc hơn. Anh Trần Văn Quang, 53 tuổi, từng là quản lý kho một siêu thị lớn ở Hà Nội đi xin việc ở vị trí cũ mãi không được, buộc phải chấp nhận làm nhân viên giao hàng, lương bằng 1/3 trước.
Cũng đến tìm việc, chị Thanh Hiền, 45 tuổi, để lại thông tin ứng tuyển vị trí kế toán cho hai công ty trong số gần 36 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. "Tôi tìm việc từ đầu tháng 6 qua nhiều kênh khác nhau, nhưng đều thấy tiêu chí giới hạn tuổi dưới 35", chị nói.
Chị Hiền cho biết chưa từng nghĩ sẽ có ngày phải đi xin việc. Nhưng một ngày đầu tháng 3 năm nay, công ty ra thông báo chậm dự án, tình hình kinh doanh khó khăn nên điều chỉnh nhân sự. Chị chấp nhận giảm lương còn 1/3 so với trước (khoảng 5 triệu đồng) để đồng hành với công ty trong lúc khó khăn. "Nhưng công ty đã có ý muốn đào thải nhân viên lớn tuổi. Họ yêu cầu tôi ký lại hợp đồng, từ vị trí kế toán xuống làm tạp vụ", chị kể.
Khi chị Hiền chưa chịu ký, công ty tiếp tục thông báo hạ mức đóng bảo hiểm của chị từ 5,6 triệu xuống 4,9 triệu đồng. Đến nước này, bà mẹ đơn thân hai con buộc phải nghỉ.
Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng ở Việt Nam vẫn tồn tại một số hình thức phân biệt đối xử tại nơi làm việc, phổ biến nhất là phân biệt tuổi tác. Đơn cử, tại phiên giao dịch việc làm ở Gia Lâm, Hà Nội cuối tháng 6, có 36 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 1.430 chỉ tiêu, nhu cầu tuyển nam - nữ gần như không có chênh lệch, tuy nhiên độ tuổi lại có khác biệt rất rõ. Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18-25 tuổi với 41%, nhóm 26-35 tuổi với 35%, còn nhóm từ 35 tuổi trở lên là 24%.
Tại phía nam, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay có làn sóng sa thải công nhân. Thống kê cho thấy đại bộ phận bị cắt giảm là lao động nữ lớn tuổi, ví dụ tại công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP HCM) 5.477 công nhân bị cắt giảm trong tháng 4/2023, hơn 50% trong số này trên 40 tuổi và khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên.
Rất nhiều lao động phàn nàn chuyện khó xin việc vì tuổi tác. Khảo sát cuối tháng 6 của VnExpress với 1.000 độc giả với câu hỏi "Bạn có cho rằng lao động 35-40 tuổi ở Việt Nam gặp khó khi đi xin việc?", có tới 90% cho biết "Có, rất ít nơi gọi người trên 35 tuổi đi phỏng vấn".
Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết kỳ thị tuổi tác trong sử dụng lao động là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do cung lớn hơn cầu, dẫn đến doanh nghiệp cơ cấu lại lao động, tối ưu hóa nguồn lực nhằm đạt năng suất cao, chi phí ít nhất. Nhìn chung người có kỹ năng, trình độ chuyên môn thấp, lớn tuổi dễ bị đào thải.
"Người lao động lớn tuổi có xu hướng giảm năng suất, chi phí cao, tạo ra sản phẩm ít. Với các doanh nghiệp nghĩ đến lợi ích kinh tế, thường có xu hướng đào thải những người lao động này, dù cho họ đã đóng góp cả thời kỳ sung sức nhất", ông Huân nói.
Bà Nguyễn Phương Mai, cựu giám đốc điều hành công ty tuyển dụng, headhunter Navigos Search Việt Nam, cho biết nhìn chung tuyển nhân sự lớn tuổi có thể mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm những thách thức nhất định. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo, tận dụng kinh nghiệm của những nhân sự này để giải quyết những vấn đề từ thực thi đến chiến lược. Bên cạnh đó, những thách thức thường khiến các nhà tuyển dụng cân nhắc bao gồm: Họ thường ỷ lại vào kinh nghiệm nên thiếu sáng tạo, thiếu linh hoạt, mức độ tiếp cận công nghệ mới không cao, khó làm việc với gen Y, Z, và chi phí bảo hiểm sức khỏe và tai nạn tăng.
Bà Mai từng gặp một số trường hợp nhà tuyển dụng băn khoăn khi được nhận những hồ sơ ứng viên trung niên. "Từng có một ứng viên rất xuất sắc bị từ chối một vị trí cấp cao ngành xuất nhập khẩu dù đã đạt mọi tiêu chí. Lý do anh ấy chỉ làm một công ty duy nhất trong 25 năm và nhà tuyển dụng e ngại anh sẽ khó thoát khỏi lối mòn trong công việc", bà Mai chia sẻ.
Kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc vật lộn để duy trì hoạt động dẫn đến lượng việc làm suy giảm ở hầu hết các ngành. Theo báo cáo 4 tháng đầu 2023 của Navigos, so với thời điểm trước Covid-19, hầu hết các ngành đều giảm nhu cầu tuyển dụng, từ 20% (CNTT) đến 43% (du lịch, nhà hàng, khách sạn) trừ ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng và hàng tiêu dùng.
"Để không bị đào thải, ứng viên luôn phải học hỏi, rèn luyện bất kể tuổi tác, sẵn sàng cho mọi tình huống. Khi trở thành người có năng lực tạo giá trị cho doanh nghiệp, lao động sẽ luôn nắm bắt được cơ hội, dù ở độ tuổi nào", chuyên gia này nói.
Ông Phạm Minh Huân cũng cho biết, để giải quyết thực trạng này, nhà nước cần phối hợp với các cơ quan liên quan tạo ra thị trường việc làm phong phú, để mất việc làm này người lao động có thể làm việc khác hoặc học nghề khác.
Chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc yếu tố đạo đức. Nếu người lao động gắn bó lâu năm, có nhiều đóng góp, không thể "vắt chanh bỏ vỏ", mà cần có sự xử lý thấu đáo, nhất trí của cả hai bên.
"Tuổi trung niên khó bắt đầu lại sự nghiệp nhưng không có nghĩa không có. Doanh nghiệp này đẩy ra sẽ có nơi khác muốn nhận vào. Việc của người lao động là cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm", ông Huân nói.
Khi được người bạn làm headhunter chỉ cho một số điểm cần chỉnh trong CV, anh Thanh Tùng đã bỏ thông tin về năm sinh, bỏ thông tin bằng cấp không liên quan (trừ ngoại ngữ), chú trọng khoe kỹ năng và công cụ, hạn chế khoe thành tựu, tham gia dự án khủng hay startup. Đặc biệt khi được hỏi về định hướng tương lai, anh nói không muốn làm lãnh đạo hay quản lý mà viết yêu nghề, muốn ổn định "làm lính tới khi về hưu".
"Tôi cố gắng thể hiện là một bầy tôi năng nổ hơn là một cao nhân sáng giá", anh Tùng chia sẻ.
Xác xuất được gọi phỏng vấn cao hơn rõ rệt. Anh gửi CV cho 5 công ty đều được mời cả và đã đậu vào một công ty từ tháng 5. Tuy nhiên mức lương không đủ trang trải tài chính gia đình, nên anh vẫn làm và âm thầm tìm môi trường khác. Hiện anh Tùng làm cho một công ty startup của Singapore.
"Tôi không sính ngoại nhưng cảm nhận các công ty nước ngoài coi trọng năng lực hơn học vị, tuổi tác", anh nói.
Còn chị Hiền đã xác định tìm được một công việc mới phù hợp với năng lực và mức lương cũ trong bối cảnh này không dễ nên trước mắt sẽ nhờ các mối quen biết tìm việc. Nếu không được nữa, chị buộc phải hạ tiêu chí mức lương, đãi ngộ.
"Khi chồng mất vì tai nạn lao động 15 năm trước, tôi được công ty anh nhận về. Khi đó tôi chấp nhận bỏ vị trí đang triển vọng ở công ty tư nhân để vào nhà nước với suy nghĩ ổn định. Đến giờ tôi mới nhận ra mình sai", chị Hiền nói.
Phan Dương