Xung quanh câu chuyện các trường đại học ưu tiên chứng chỉ IELTS trong xét tuyển thẳng, một số ý kiến phản đối, cho rằng việc này sẽ thể gây ra mất công bằng với các thí sinh ở nông thôn hoặc địa phương khó khăn, không đủ điều kiện tiếp cận ngoại ngữ. Thậm chí, nó còn tạo ra một cuộc chạy đua học và thi lấy bằng IELTS, đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn, để rộng cửa vào đại học. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại không đồng tình với quan điểm này.
Em gái tôi không được đi học thêm tiếng Anh ngày nào nhưng thi IELTS cũng được 7.0. Thế nên, không thể nói cứ ai được học thêm, luyện nhiều thì mới có thể đạt điểm cao IELTS. Ngược lại, tôi cho rằng, với các học sinh nhà nghèo, không có điều kiện học thêm, luyện thi nhiều như người khác thì càng phải nỗ lực, phấn đấu hơn người ta gấp nhiều lần. Đó mới là lẽ tự nhiên chứ không phải cứ ngồi một chỗ kêu than bất công này nọ.
Mặt khác, tôi từng chứng kiến không ít gia đình có điều kiện, sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng cho con học tiếng Anh từ nhỏ, hết trung tâm này đến lớp luyện thi khác, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu, điểm IELTS vẫn thấp như thường. Thế nên quan trọng nhất vẫn là ở bản thân người học. Dù là xã hội nào thì mỗi người cũng sẽ có một hoàn cảnh, khó khăn khác nhau. Vì vậy, thay vì phàn nàn về bất bình đẳng, mỗi người cần tự cố gắng để vươn lên khỏi nghịch cảnh.
>> Đạt 7.5 điểm IELTS không cần học trung tâm tiếng Anh
Ngay cả khi ngoại ngữ là "điểm yếu không thể khắc phục" của bạn, thì con đường tuyển sinh thông thường cũng vẫn rộng mở, nếu bạn thực sự có khả năng. Có thể nói, quy chế ưu tiên về ngoại ngữ là xu thế cần thiết với người lao động, thay vì phấn đấu đạt chuẩn cao hơn, việc đòi công bằng ở đây chẳng khác nào tụt hậu. Thực ra, nói vậy quả là có chút nặng lời đối với những em học sinh vốn có năng lực nhưng gia cảnh quá khó khăn. Tuy nhiên đó là vấn đề ở đâu cũng có, lại chỉ mang tính thiểu số và không phải là bài toán chính mà hệ thống đại học cần phải giải quyết.
Ngoài ra, người Việt thường có tư tưởng theo kiểu muốn "phổ cập đại học", ai cũng nghĩ con em mình học như người ta thì cũng phải vào được đại học giống như ai. Ai cũng muốn làm thầy, không chịu làm thợ, bất kể năng lực bản thân ra sao. Đó chính là lý do khiến lực lượng lao động mang danh "trình độ cao" ở ta ngày càng nhiều về số lượng, nhưng chất lượng lại "thượng vàng hạ cám", dùng chẳng được bao nhiêu. Ngược lại, lực lượng lao động trình độ thấp hơn lại không được quan tâm đúng mực.
Có người học giỏi thì cũng có người không phù hợp với việc học, đó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Bạn có thể làm việc chân tay, không kiếm nhiều tiền bằng người đi học, nhưng phải biết chấp nhận năng lực bản thân có hạn mà chọn con đường phát triển phù hợp. Đừng cố gắng chạy theo số đông rồi đòi hỏi phải cào bằng tất cả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.