Nam sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu không được Đại học Y dược TP HCM chấp nhận vì ngày cấp chứng chỉ IELTS nằm ngoài thời hạn quy định của trường. Nhiều độc giả VnExpress cho rằng đây là quyết định cứng nhắc và gây khó cho thí sinh:
Quy định chứng chỉ IELTS nhưng lại giới hạn ngày cấp rất nực cười. Bản thân chứng chỉ IELTS đã hạn hiệu lực là hai năm kể từ ngày cấp. Vậy sao trường phải đưa điều kiện ngày cấp từ ngày này đến ngày kia? Chỉ cần một điều kiện là chứng chỉ IELTS còn hiệu lực đến ngày xét tuyển là được (ngày mà hội đồng nhà trường quyết định là bắt đầu năm học mới). Như vậy, khi nộp hồ sơ, bản thân thí sinh đã phải cân nhắc nộp chứng chỉ cũ hoặc tham gia thi để có chứng chỉ mới còn hiệu lực. Các hồ sơ xin học bổng du học, người ta cũng chỉ yêu cầu như vậy. Không ai đưa ra thời hạn cứng nhắc cả. Quy định là vô lý. Việc không được cập nhật khi gia hạn thời hạn nộp hồ sơ và biện giải của nhà trường cũng chưa hợp lý.
Quy định mà quá cứng nhắc cũng không phải hay. Đáng lẽ ra, chứng chỉ như IELTS vốn có thời hạn hai năm, nên trường chỉ cần yêu cầu chứng chỉ đang còn giá trị. Như vậy cũng đảm bảo được trình độ ngôn ngữ của thí sinh rồi. Chỉ là thí sinh không chắc đủ điểm vào nguyện vọng một nên mới ráng học thêm để thi lấy bằng IELTS cho nguyện vọng khác. Thí sinh bỏ thời gian ra học để đạt IELTS trên 6.0 chứng tỏ đã có năng lực, có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt, vậy trường có nên bỏ phí chất xám như vậy không?
Những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh cấp độ 6.0 trở lên không nhiều, điều đó chứng tỏ khả năng tư duy học tập của những em này cũng rất cao so với đa phần thí sinh khác. Theo tôi, nên cho thí sinh cơ hội để tiếp cận tri thức của nhân loại theo tôn chỉ "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Đừng vì một tiêu chí phụ mà để mất đi một nhân tài của tương lai.
>> Nỗi lo 63% thí sinh dưới điểm 5 Tiếng Anh
Trong khi đó, đánh giá sự việc dưới góc nhìn lý tính, không ít ý kiến lại ủng hộ quyết định của nhà trường khi cho rằng cần tôn trọng quy định đã được công bố từ đầu:
Thứ nhất, quy định là quy định, đúng sai không bàn vào lúc này. Đã có đến gần 600 thí sinh nộp đủ chứng chỉ thì một trường hợp cá biệt không thể đòi hỏi yêu cầu riêng. Như thế là không công bằng. Hãy hỏi gần 600 thí sinh kia xem họ đã làm gì để chuẩn bị cho thủ tục đăng ký đúng hạn? Họ có "nước đến chân mới nhảy" như vậy không? Thời đại thông tin đại chúng, mọi quy định đều có thông báo trước. Nếu bạn đi sau, hãy vui vẻ mà chấp nhận.
Thứ hai, nếu coi chứng chỉ là điều kiện sơ tuyển thì trường đã làm đúng. Họ phải có hồ sơ để sơ loại, tổng hợp số liệu, lên kế hoạch đào tạo... Không ai ngồi chờ để thí sinh hoàn thiện hồ sơ sau thời hạn được.
Thứ ba, việc học chứng chỉ cấp tốc, miễn bàn về chất lượng, cũng đã thấy rõ thái độ chủ quan, không có sự chuẩn bị, tự tin thái quá của thí sinh. Người ham học sẽ luôn có sự chuẩn bị kỹ càng và tâm lý chủ động, sẵn sàng.
Thứ tư, việc đòi hỏi đáp ứng nhu cầu riêng cho một thí sinh là tiền lệ xấu để các trường hợp tương tự có thể lợi dụng kẽ hở và thực hiện việc bổ sung hồ sơ ngoài thời hạn. Như vậy là thiếu minh bạch.
Tổ chức nào cũng có các quy định. Nếu ai cũng coi mình vượt trên quy định thì còn nghĩa lý gì? Ví dụ thí sinh này thấy không đạt nguyện vọng một, nên mới thi IELTS để chuyển nguyện vọng hai. Nếu các em khác cũng thấy vậy, cũng thi để chuyển nguyện vọng theo như thế thì sao? Lúc đó, phương án tuyển sinh của trường có đúng không, hay chỉ chạy theo các chứng chỉ thi với các thí sinh? Rồi sự công bằng sẽ ở đâu với các em làm đúng thời hạn? Nếu chẳng may các các em này bị loại ra, vậy có phải bất công không? Đó là còn chưa kể, với mức điểm này, trường Y có tới 2.100 thí sinh có số điểm bằng hoặc cao hơn và 25% (500 thí sinh) có bằng tương đương hoặc cao hơn em này. Vậy đây có phải là một "tài năng" không thể bỏ qua không?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản, giống như bạn đi nộp hồ sơ cho một công ty đang tuyển dụng. Họ quy định hồ sơ gồm bằng tốt nghiệp, chứng chỉ Tiếng Anh, tin học... và thời hạn nộp hồ sơ. Khi xét hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đúng thời gian thì công ty mới gọi mới phỏng vấn. Nếu bạn nói tôi nộp hồ sơ còn thiếu bằng Tiếng Anh nên để tôi về học và bổ sung sau thì liệu họ có chấp nhận không và có công bằng cho các ứng viên khác nộp hồ sơ đầy đủ và đúng hạn không?
Nghành y thường xuyên cập nhật kiến thức y học mới nhất của thế giới (giống ngành công nghệ thông tin). Tài liệu chủ yếu bằng tiếng Anh, các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam chuyển giao kiến thức chủ yếu nói tiếng Anh, nên sinh viên y dược cần giỏi tiếng Anh.
Các thí sinh phải học bốn môn cùng lúc: Toán, Hóa, Sinh, Anh văn để kịp thời hạn nộp chứng chỉ IELTS. Trong khi đó, thí sinh này chỉ học ba môn Toán, Hóa, Sinh để thi tốt nghiệp được điểm cao, rồi mới học lấy chứng chỉ IELTS bổ sung sau. Như vậy là không công bằng với các thí sinh khác. Ngay cả, thí sinh vùng dịch cũng phải có chứng chỉ IELTS theo thời hạn trong đề án tuyển sinh.
- Nếu bổ sung chứng chỉ sau như vậy thì cũng có thể lập luận như: "Khi nào học xong năm nhất tôi sẽ bổ sung", hoặc "trước khi tốt nghiệp sẽ bổ sung chứng chỉ IELTS"... bởi chứng chỉ càng gần càng có giá trị...
>> Bạn nghĩ sao về quyết định của Đại học Y dược TP HCM? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.