Có lẽ ngày nay, hầu như ai có chút điều kiện cũng không ngần ngại bỏ tiền theo học các trung tâm tiếng Anh. Nhưng tôi cho rằng đó là một sự đầu tư có phần vô ích, chỉ làm giàu cho mấy trung tâm ngoại ngữ đang mọc lên như nấm và những người dạy tiếng nước ngoài không có bằng cấp sư phạm. Tiếc là nhiều người không nhận ra điều đó.
Hiện tại, con người từng bước phát triển các công cụ sử dụng trí thông minh nhân tạo (công nghệ AI), có thể tự động dịch trực tiếp các ngôn ngữ khác nhau với độ chính xác rất cao. Thứ bạn cần chỉ là một thiết bị di động, có thể mang theo bên mình mọi lúc, mọi nơi, vô vùng thuận lợi. Ngày xưa, khi công nghệ truyền thông còn hạn chế, con người mới buộc phải tự học ngoại ngữ, bỏ công sức, tiền bạc đến các trung tâm ngoại ngữ đắt tiền.
Còn ngày nay, đó đã không còn là lựa chọn duy nhất, có nhiều cách khác giúp bạn giao tiếp tốt mà chẳng cần quá tốn kém như vậy, như tự học online, học qua sách vở, phim ảnh, âm nhạc... Quan trọng không phải bạn học bằng cách gì, ở đâu mà là bạn học như thế nào để nắm được những kiến thức cần thiết nhất, chứ không phải học tràn lan, nhồi nhét thật nhiều.
>> Nhiều người Việt ám ảnh phải giỏi tiếng Anh
Suy cho cùng, tiếng Anh nói riêng hay ngoại ngữ nói chung cũng chỉ là một công cụ giao tiếp mà thôi, chứ không phải kiến thức chuyên môn. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người lầm tưởng và cho rằng ngoại ngữ mới là cái cần học nhất ở thời điểm hiện tại, coi chúng còn quan trọng hơn cả các kiến thức chuyên môn khác, để rồi tốn nhiều tiền bạc, công sức học tiếng Anh ở các trung tâm đắt tiền.
Cũng vì trào lưu người người, nhà nhà đổ xô đi học ngoại ngữ nên những người dạy mới dễ dàng ăn theo và kiếm bộn tiền. Thậm chí, nhiều người chẳng có bằng cấp, kiến thức sư phạm gì, chỉ biết chút ngoại ngữ là có thể đi dạy trung tâm. Thực tế, họ chỉ mang lại cho người học sự ảo tưởng rằng "cứ giỏi tiếng Anh thì làm gì cũng được". Nếu chỉ cần ngoại ngữ là cuộc đời ai cũng thành công thì có lẽ tất cả những người bản xứ nói tiếng Anh đều đã thành triệu phú USD cả rồi, chứ không phải làm "Tây ba lô" du lịch bụi sang các nước đang phát triển và tranh thủ dạy tiếng Anh kiếm sống như hiện nay.
Tóm lại, ngoại ngữ chỉ là một trong rất nhiều công cụ dùng để giao tiếp trong xã hội hiện đại. Nếu công nghệ hiện nay có thể xử lý được thay cho con người vấn đề bất đồng ngôn ngữ, thì chẳng có lý do gì chúng ta phải đầu tư quá nhiều cho việc học ngoại ngữ ở các trung tâm.
Thế giới không cần các nhà khoa học nói nhiều thứ ngoại ngữ, mà cần các nhà khoa học có sáng kiến chuyên môn thực sự. Khi bạn đã có sáng kiến hữu ích rồi thì cho dù nó được mô tả bằng ngôn ngữ hiếm, chỉ vài người biết thì vẫn sẽ được chuyển hóa thành nhiều ngôn ngữ các nhau bằng cách này hay cách khác. Khi đó, ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ biểu đạt không hơn không kém.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.