Đồng tình với quan điểm 'Sai lầm khi coi học sinh đạt 8.5 IELTS là tài năng', nhiều độc giả VnExpress cho rằng nhiều người Việt đang quá đề cao việc học ngoại ngữ mà quên đi nhiều kiến thức có giá trị khác:
Tôi thấy rằng, đa số chúng ta đang thần thánh hóa điểm IELTS, nếu ai đạt được IELTS là một thứ gì đó rất 'siêu nhân'. Vì thần thánh hóa nên cứ vùi đầu vào để luyện IELTS và bỏ qua các kỹ năng khác. Thật buồn cười là khá nhiều người đạt được IELTS cao lại tưởng mình là rất giỏi rồi quay sang bắt lỗi cách phát âm tiếng Anh của người Việt. Giỏi ngoại ngữ chỉ là điều kiện cần mà nhiều người xem đó như là điều kiện tiên quyết để chứng minh mình tài năng vậy.
Nói về ngôn ngữ, nhiều người không biết chữ còn học được thì làm sao coi là tài năng? Tôi đi Sa Pa hay nhiều khu du lịch, thấy người già, trẻ em nói được vài thứ tiếng mà họ có biết chữ đâu. Biết một thứ tiếng thì sẽ làm tăng cơ hội việc làm, tăng sự hoà nhập, tăng cơ hội làm việc. Cho nên người tài năng phải là người đa năng, tự học hỏi, tự nghiên cứu, tìm ra được cái mới, luôn có tư duy sáng tạo...
Điểm cao là tổng hợp của khả năng ghi nhớ, siêng năng rèn luyện. Trong khi tài năng cần sự tưởng tượng, khả năng tự đào, năng lực lựa chọn, dũng cảm, quản trị cảm xúc, năng lực ứng biến với sự bất định, khả năng diễn đạt... Nên lấy điểm số để khái quát lên thành tài năng quả thật là hên xui.
Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không phải là "kiến thức" mà chỉ là "phương tiện", vậy nên đừng cho rằng người giỏi ngoại ngữ là người tài giỏi. Một người Việt thành thạo tiếng Anh thì xét riêng về mặt trình độ ngôn ngữ Anh cũng chỉ ngang đứa trẻ Mỹ sáu tuổi, học lớp 1 mà thôi.
Đúng là lâu nay ở ta có suy nghĩ ai điểm tiếng Anh cao, nhất là các bằng quốc tế, thì mặc định là người xuất sắc. Trong khi đó, đây chỉ là một khía cạnh có tính chất bổ trợ, chứ không hoàn toàn quyết định sự phát triển về học tập hay nghiên cứu.
Tại sao thế giới lại chọn tiếng Anh để sử dụng rộng rãi? Không phải vì nó sang trọng. Vì tính theo độ che phủ, tiếng Anh được nhiều nước sử dụng là ngôn ngữ thứ nhất, nhiều nước nữa coi là ngôn ngữ thứ hai, xét trên yếu tố lịch sử của thực dân trên thế giới. Tiếng Anh cũng dễ chuyển đổi sang các ngôn ngữ thuộc hệ khác, dễ học, bất cứ là dân tộc nào nói tiếng Anh thì người khác đều hiểu được. Tất cả người dân là thuộc địa cũ của Anh cũng đều có khả năng nói tiếng Anh , (như Philippines...). Do đó, tiếng Anh là ngôn ngữ của giao tiếp và thương mại . Tiếng Nga và tiếng Pháp là ngôn ngữ của văn hoá, nghệ thuật. Tiếng Ý là ngôn ngữ của tình yêu... và tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ của thượng nghị viện... Vậy chúng ta học tiếng Anh là để ra ngoài với thế giới, không nên căng thẳng chuyện học sinh phải học tiếng Anh, vì khi có nhu cầu thì bắt buộc ai cũng theo được. Ngày nay, học sinh chưa rõ tiếng Việt, đã phải học tiếng Anh, nhất là trẻ em nông thôn. Điều đó là quá lãng phí cho chi phí suốt 12 năm học ngoại ngữ thời phổ thông, trong khi hiệu quả thu lại không cao, vào đại học vẫn phải học lại từ đầu.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.