Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến, khó phát hiện sớm dẫn đến nguy cơ tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 3 về số người mắc mới với khoảng 1.414.000 ca (sau ung thư vú, ung thư phổi), số ca tử vong đứng thứ 8 với hơn 375.300 người. Tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 8 về số trường hợp mắc mới và tỷ lệ tử vong thứ 10 lần lượt là hơn 6.240 và hơn 2.620 ca.
Chỉ số PSA - dấu ấn của ung thư tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm bên dưới bàng quang của nam giới. PSA là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, là một loại protein được sản xuất bởi tế bào biểu mô (cả mô ung thư và không phải ung thư) trong tuyến tiền liệt. PSA chủ yếu được tìm thấy trong tinh dịch nhưng cũng được sản xuất trong tuyến tiền liệt.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên (Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chia sẻ, một lượng nhỏ PSA thường lưu hành trong máu ở hai dạng: gắn vào protein trong máu và không gắn vào protein trong máu (tự do). Tuy nhiên, phần lớn PSA trong máu gắn với các protein huyết tương, chỉ có khoảng 30% PSA tự do. Các PSA tự do này không có khả năng phân hủy protein. Đây chính là lý do chỉ số PSA được coi là dấu ấn của ung thư tuyến tiền liệt. Đối với người bình thường, chỉ số PSA toàn phần trong máu sẽ rất thấp (dưới 4 ng/mL). Càng lớn tuổi, tuyến tiền liệt sẽ càng tăng kích thước.
Theo BS.CKII Trần Thị Thanh Nga - Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sở dĩ chỉ số PSA được xem là dấu ấn của ung thư tuyến tiền liệt vì khi nồng độ PSA trong máu tăng cao thì nam giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Giá trị giới hạn để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt của chỉ số PSA toàn phần trong huyết tương là lớn hơn hoặc bằng 4ng/ml, độ đặc hiệu khoảng 91% và độ nhạy khoảng 21%.
Khi tốc độ PSA toàn phần trong máu tăng nhanh hơn bình thường, cụ thể tốc độ tăng PSA toàn phần từ 0,75 ng/mL/năm trở lên, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Những người có độ tăng PSA dưới 0,75 ng/mL/năm có nguy cơ mắc bệnh tuyến tiền liệt lành tính.
Tuy nhiên, không phải nồng độ PSA trong máu tăng cao đồng nghĩa với một người sẽ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Một số tình trạng bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến tăng nồng độ PSA trong máu như viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, bí tiểu phải đặt sonde niệu đạo... Do đó, để chẩn đoán chính xác hơn ung thư tuyến tiền liệt, người bệnh cần định lượng chỉ số PSA tự do và tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần. Việc xác định tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần giúp chẩn đoán và phân biệt hiệu quả những trường hợp bị ung thư tuyến tiền liệt.
Bác sĩ Thanh Nga chia sẻ thêm, nếu nồng độ PSA toàn phần huyết tương tăng từ 4 lên 10 ng/mL, tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần lớn hơn hoặc bằng 0,15 sẽ giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt với độ đặc hiệu khoảng 56,5% và độ nhạy 85%. Có khoảng 23% bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt có tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần dao động 0,15-0,19. Khoảng 9% bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt có tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần lớn hơn hoặc bằng 0,20.
Xét nghiệm máu PSA phát hiện ung thư tuyến tiền liệt
Hiện PSA vẫn là một trong những phương pháp chủ yếu để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, giúp bác sĩ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó tăng khả năng điều trị khỏi. Ngoài chỉ số PSA, các yếu tố về chủng tộc, độ tuổi, tiền sử gia đình và kết quả thăm khám tuyến tiền liệt qua trực tràng cũng được bác sĩ xem xét để đưa ra kết luận về nguy cơ ung thư. Xét nghiệm PSA còn được dùng để theo dõi sự phát triển ung thư và hỗ trợ bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
PSA còn được dùng để xác định nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt trong tương lai, có thể dự báo ung thư trước khoảng 25-30 năm. Nhờ đó, người bệnh có thể chủ động hơn trong việc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt.
Khi nào cần xét nghiệm PSA?
Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên chia sẻ thêm, ung thư tuyến tiền liệt không được phát hiện sớm sẽ đối diện những biến chứng nguy hiểm như ung thư tuyến tiền liệt di căn (các khối u ác tính ở tuyến tiền liệt có thể di căn đến những cơ quan, mạch máu hoặc hệ bạch huyết lân cận), gãy xương, tiểu không tự chủ, rối loạn cương dương... Nam giới nên thực hiện sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt hàng năm.
Những người có người thân (anh trai hoặc bố bị ung thư tuyến tiền liệt) nên sàng lọc sớm từ 45 tuổi; nam giới mang gen BRCA2 cần xét nghiệm PSA từ năm 40 tuổi. Ngoài ra, nam giới có dấu hiệu sức khỏe bất thường, xuất hiện khối u ở tuyến tiền liệt cũng nên đi khám và sàng lọc sớm. Trong theo dõi tiến triển và đánh giá hiệu quả điều trị ung thư tuyến tiền liệt, chỉ số PSA được kiểm tra định kỳ 6-12 tháng.
Với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm PSA cũng có thể được bác sĩ sử dụng để đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị và kiểm tra nguy cơ ung thư tái phát.
Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên khuyến cáo, ngoài việc duy trì tầm soát ung thư tuyến tiền liệt hàng năm, nam giới cần chú ý đến các dấu hiệu khác như khó đi tiểu, dòng nước tiểu yếu, có máu trong nước tiểu, máu trong tinh dịch, đau xương, giảm cân nhanh, rối loạn cương dương... Bởi đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư đã tiến triển.
Trang Hoàng