Ngày 24/9, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các nốt u cỡ 2-5 mm, rải rác khắp bề mặt niêm mạc bàng quang bệnh nhân, ít mạch máu tăng sinh nên không phải ung thư. "Viêm bàng quang u hạt mạn tính gọi là Malakoplakia hiếm gặp. Đây là trường hợp mắc bệnh Malakoplakia đầu tiên mà chúng tôi tiếp nhận", bác sĩ Cương nói, thêm rằng thống kê về bệnh này trên thế giới rất ít. Ước tính, tại Mỹ, chưa đến 500 trường hợp mắc bệnh này.
Thông thường, khi vi khuẩn hay những yếu tố gây bệnh xâm nhập cơ thể, đại thực bào (một loại tế bào miễn dịch) được huy động đến để "ăn" hết mầm bệnh này. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh Malakoplakia, chức năng của đại thực bào bị rối loạn, khiến xác vi khuẩn không tiêu hủy hoàn toàn, dần tích tụ tạo thành những tổn thương dạng các nốt nhỏ, mảng bám hay vết loét khắp bề mặt niêm mạc bàng quang.
Bệnh thường gây rối loạn chức năng bàng quang, nhiễm khuẩn tái phát và có nguy cơ tổn thương thận. Như bà Quy bị đái tháo đường và nhiễm trùng tiểu nhiều năm nay. Mỗi lần bệnh tái phát, bà đều bị tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt kèm những cơn đau tức bụng dưới.
Theo bác sĩ Cương, Malakoplakia là bệnh lành tính, có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, quá trình điều trị thường mất nhiều thời gian, khó khăn do bệnh hiếm gặp, chưa có công thức điều trị chuẩn.
Bác sĩ Cương chỉ định nội soi bàng quang cho người bệnh để cắt đốt các u. Qua màn hình nội soi, êkíp kích hoạt chế độ ánh sáng xanh để toàn bộ hình ảnh chuyển sang màu xanh, các mạch máu có màu xanh đen. Nhờ đó, êkíp quan sát rõ hệ thống mạch máu chằng chịt bên dưới niêm mạc bàng quang và những vị trí có nốt u. Các khối u được loại bỏ, đảm bảo không bỏ sót, giảm nguy cơ tái phát cho người bệnh.
Một ngày sau phẫu thuật, bà Quy được xuất viện, kê thuốc kháng sinh để xử lý nhiễm trùng tiểu. Bà còn được dùng các thuốc giảm đau và chống co thắt cơ bàng quang để giảm các triệu chứng kích thích, cải thiện chất lượng sống.
Bác sĩ hướng dẫn người bệnh phòng ngừa nhiễm trùng tiểu bằng vệ sinh vùng kín đúng cách, uống đủ nước (1,5-2 lít mỗi ngày), hạn chế nhịn tiểu quá lâu, bổ sung thực phẩm giàu chất kháng viêm và tăng cường sức đề kháng (trái cây họ cam, mật ong...), tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt đường huyết...
Bác sĩ Tân Cương cho hay bệnh Malakoplakia thường gặp nhất ở hệ tiết niệu, nhất là bàng quang, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các cơ quan khác như thận, phổi và ruột. Tình trạng này có liên quan đến nhiễm khuẩn mạn tính ở người bị suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, điều trị bằng thuốc corticoid hoặc hóa trị.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở các trường hợp này khó điều trị, dễ tái phát. Khi có triệu chứng như tiểu buốt, tiểu gắt, đau bụng dưới, người bệnh cần đến bệnh viện điều trị sớm, giảm nguy cơ tái phát và tránh biến chứng nguy hiểm như tiểu máu, viêm thận bể thận cấp, viêm bàng quang mạn, suy thận.
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |