Anh Nguyễn Minh Hải kết hôn từ năm 2019 nhưng chưa có con. Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, bác sĩ cho biết tinh hoàn tổn thương, một bên teo do biến chứng quai bị. Bên còn lại còn khả năng sinh tinh nhưng ít và yếu.
Ngày 28/8, ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học cho biết quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus paramyxo gây ra. Bệnh có thể gây chết tế bào mầm, giảm số lượng, hình thái và khả năng vận động của tinh trùng, tinh hoàn teo nhỏ, dẫn đến vô sinh. Khoảng 20% bệnh nhân dưới 10 tuổi mắc quai bị có thể viêm tinh hoàn. 60% bệnh nhân viêm tinh hoàn bị teo một bên, giảm lượng tinh trùng khỏe mạnh, gây khó thụ thai tự nhiên.
Mỗi ml tinh dịch của nam giới bình thường chứa 40-300 triệu tế bào tinh trùng, chỉ số 10-20 triệu được xem là ít. Càng lớn tuổi, số lượng và chất lượng tinh trùng càng giảm. Các yếu tố khác như môi trường, lối sống, bệnh lý... cũng ảnh hưởng.
Theo bác sĩ Khoa, anh Hải bị teo tinh hoàn nên tốc độ giảm sinh tinh nhanh hơn bình thường. Vài năm nữa, bệnh nhân có thể không còn cơ hội có con.
Anh Hải được bác sĩ thu thập mẫu tinh trùng, dùng phương pháp quay ly tâm tức sử dụng hai lớp dung dịch để chọn lọc. Các tế bào lạ, tinh trùng chết, dị tật được giữ lại. Tinh binh khỏe mạnh, di động tốt sẽ vượt qua màng lọc, di chuyển xuống đáy ống ly tâm. Kỹ thuật viên phôi học đánh giá, chọn được 18 tinh trùng đủ điều kiện.
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến kích trứng, chọc hút được 18 noãn trưởng thành cho chị Phương (vợ anh Hải), thụ tinh tạo được 10 phôi chất lượng tốt, trữ đông. Sau khi chuẩn bị nội mạc đủ điều kiện, cuối tháng 10/2022, chị Phương được chuyển phôi vào tử cung và đậu song thai. Tháng 6/2023, chị sinh mổ ở tuần thai 37, hai bé trai nặng 2,7 kg và 2,4 kg chào đời khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Khoa, teo tinh hoàn là bệnh thuộc nhóm gây vô sinh khó chữa ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân gây teo, nhưng phần lớn do biến chứng viêm sau khi mắc quai bị. Biểu hiện là bộ phận này sưng to, mào tinh căng phù lên, sau đó có thể teo dần. Khoảng 35% nam giới gặp biến chứng này bị vô sinh.
Nguyên nhân khác gây viêm, teo tinh hoàn là bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia... Một số trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc tinh hoàn lạc chỗ, chấn thương, tai nạn lao động, môi trường làm việc độc hại cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh.
Bác sĩ Khoa cho biết trước đây nhiều nam giới bị bệnh trên gần như không có cơ hội làm cha. Hiện những trường hợp này có thể có con bằng cách gom tinh trùng trữ lạnh. Tình trạng nặng hơn, bác sĩ chỉ định các kỹ thuật như vi phẫu micro-TESE với tỷ lệ tìm thấy tinh trùng 60-70%.
Bác sĩ khuyến cáo các cặp vợ chồng chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm phát hiện sớm trường hợp có tiền sử viêm teo tinh hoàn. Trường hợp sau khi kết hôn một năm, quan hệ tình dục đều đặn khoảng 2-3 lần mỗi tuần, không sử dụng biện pháp ngừa thai nhưng chưa có con nên khám, điều trị sớm.
Nam giới độc thân hoặc chưa mong con cũng nên khám sức khỏe sinh sản định kỳ để được đánh giá tình trạng hậu viêm, teo tinh hoàn, khả năng ảnh hưởng trên cơ quan sinh sản và cân nhắc trữ tinh trùng nhằm bảo tồn khả năng làm cha.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |