Anh Cường không mắc bệnh tai mũi họng, huyết áp cao chưa điều trị. Nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy vách ngăn mũi trái có điểm vỡ mạch, máu chảy thành dòng. Ngày 6/12, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bình Minh, khoa Tai Mũi Họng, cho biết bệnh nhân bị chảy máu nhiều lần làm mất một lượng máu lớn trong thời gian ngắn, dẫn tới choáng váng, mất thăng bằng, ngã. Khi nhập viện, huyết áp tâm thu đo được tới 190 mmHg (bình thường dưới 130 mmHg), nghi ngờ chảy máu mũi do cơn tăng huyết áp. Huyết áp tăng gây áp lực lên thành mạch máu, có thể khiến mạch ở mũi tổn thương, dẫn đến vỡ.
Do bệnh nhân khó cầm máu bằng cách đặt gạc với thuốc cầm máu thông thường và huyết áp đã tạm ổn định, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi đông điện điểm chảy máu. Đây là biện pháp cầm máu mũi bằng đông điện (đơn cực hoặc lưỡng cực) dưới màn hình nội soi áp dụng trong trường hợp chảy máu mũi trước và sau, mức độ nặng, tái phát nhiều lần. Hậu phẫu, anh Cường được bác sĩ khoa tim mạch tư vấn theo dõi tình trạng cao huyết áp và xuất viện sau hai ngày.
Chảy máu mũi (chảy máu cam) rất phổ biến, thường xảy ra ở trẻ em, đa số lành tính, có thể tự cầm máu, không ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên một số trường hợp cần can thiệp y tế. Theo bác sĩ Minh, chảy máu mũi ở người lớn không do chấn thương hay viêm xoang đều là dấu hiệu nguy hiểm. Nguyên nhân có thể do tăng huyết áp hoặc u ở xoang. Người bệnh chảy máu cam đột ngột, không rõ nguyên nhân, chảy máu kéo dài nên đi khám để nội soi tai mũi họng, kết hợp khám tim mạch, chụp cắt lớp vi tính khi cần thiết.
Hiện, miền Bắc vào mùa lạnh, không khí khô hanh dễ làm lớp màng nhầy niêm mạc mũi bị khô, rách dẫn tới vỡ mạch máu, gây chảy máu. Để phòng ngừa chảy máu mũi do thời tiết lạnh và khô, bác sĩ Minh khuyên sử dụng thiết bị phun sương tạo ẩm trong nhà, dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi nhằm duy trì độ ẩm cho niêm mạc. Không xì hay ngoáy mũi mạnh bạo. Giữ ấm, ẩm nguồn không khí hít vào bằng cách sử dụng phun sương hoặc đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Người bị chảy máu mũi bất ngờ có thể xử trí tại nhà bằng cách ép hai bên cạnh mũi vào vách ngăn, ép liên tục 10-15 phút. Không nhét bất cứ vật gì vào mũi, tránh ngửa đầu ra sau hoặc nằm thẳng vì có thể khiến máu chảy ngược xuống cổ họng, gây nghẹt thở, buồn nôn. Trường hợp chảy máu nhiều lần trong ngày, kéo dài khó cầm, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra và xử trí kịp thời.
Khuê Lâm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |