"Tôi năm nay 45 tuổi. Trước dịch, vợ tôi đi làm xa chỗ trọ nên chỉ có hai bố con ở nhà. Đến khi dịch bùng phát mạnh, tôi đã bị nghỉ việc từ đầu tháng năm, vợ tôi đến đầu tháng sáu cũng bị nghỉ. Vậy là ba người chúng tôi cả ngày ngồi nhìn nhau trong phòng trọ hơn 10 m2. Ban đầu, chúng tôi cũng có nguy cơ cãi nhau, nhưng tôi luôn là người nhường trước. Các công việc đi chợ, nấu cơm, rửa bát, giặt đồ, lau dọn phòng... chúng tôi chia nhau làm (không cố định).
Khi bàn đến khó khăn tài chính, vợ chồng tôi cố gắng không đi quá xa, thường chép miệng động viên nhau cố gắng. Vậy mà cũng hơn ba tháng rồi gia đình tôi không có chuyện gì xảy ra. Kinh nghiệm của tôi là chồng nên nhường vợ, cố gắng duy trì không khí lạc quan trong gia đình, có vậy mới mong vượt qua đại dịch này cả về sức khỏe lẫn hạnh phúc gia đình".
Đó là chia sẻ của độc giả Dinhnhatanh1812 về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình xung quanh câu chuyện "Những cuộc hôn nhân 'lung lay' vì đại dịch". Đây đã trở thành hiện tượng trên toàn cầu. Trong nửa cuối năm 2020, số đề nghị tham vấn về việc ly hôn tăng gửi đến một công ty luật hàng đầu của Anh tăng 122%. Tại Mỹ, một trang web tạo hợp đồng pháp lý hồi đầu năm 2021 cũng công bố doanh số thỏa thuận ly hôn tăng 34%. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ngay sau khi kết thúc đợt phong tỏa vì Covid-19 ở Trung Quốc.
Nói về những kinh nghiệm vượt qua những mâu thuẫn trong gia đình mùa dịch, bạn đọc Vu Lam bày tỏ: "Thực tế đời sống hôn nhân trong thời Covid-19 là như vậy. Người xưa có câu 'đường dài mới biết ngựa hay', có lẽ chính giai đoạn này là liều thuốc thử cho tình yêu và hôn nhân. Tôi xin chia sẻ đôi điều, gia đình tôi có ba thành viên, con tôi làm việc theo "3 tại chỗ" hơn một tháng nay, chỉ còn lại hai vợ chồng tôi ở nhà. Trước đây, chúng tôi đi làm cả ngày, chỉ gặp nhau buổi tối và ngày cuối tuần nên ít khi cãi vã. Ấy vậy mà mới tuần đầu ở nhà tránh dịch, chúng tôi đã cãi nhau ba lần, tuần thứ hai còn một lần, sang tuần thứ ba thì hết hẳn.
Nhìn viễn cảnh xã hội bây giờ, chúng tôi tự nhủ mình còn khỏe mạnh đến hôm nay là điều mắn hơn rất nhiều người rồi, nên phải biết trân trọng điều đó. Còn biết bao nhiêu người ở tuyến đầu ngày đêm vất vả, muốn an vui bên gia đình như mình mà còn chưa được. Chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, bởi khi mất đi rồi khó mà tìm lại được".
>> 18 ngày cả nhà làm việc tại gia
Đồng quan điểm, độc giả Huongntt.hanu nhận định: "Nhà tôi có một cô con gái 2,5 tuổi, tôi đang mang bầu năm tháng. Tôi đã ở nhà làm và trông con từ 3-4 tháng nay rồi. Ba tuần gần đây, đến lượt chồng cũng ở nhà làm. Lúc đầu, chúng tôi cũng hục hặc nhau vì chuyện nấu nướng không hợp khẩu vị, việc nhà làm không vừa mắt nhau. Rồi dần dần, cả hai tự điều chỉnh. Tôi cố gắng dậy sớm làm thêm khoảng 2-3 tiếng cho yên tĩnh, nấu nướng, trông con hết buổi sáng, dọn dẹp buổi tối, buổi trưa chiều cho con ngủ và tranh thủ làm việc. Chồng tôi làm theo giờ công ty, nên chiều tối tắm cho con và nấu cơm, trong ngày tranh thủ làm việc vặt, và nhận thêm việc làm buổi tối.
Thấy chồng gọi điện cho đồng nghiệp là tôi tự động dắt con ra chỗ khác để anh yên tĩnh. Hằng ngày, chúng tôi hỏi han nhau để chủ động công việc, không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Quanh đi quẩn lại, chúng tôi chỉ có ăn, ngủ, dọn dẹp, làm việc và chăm con, nghĩ cũng chán nhưng vẫn động viên nhau vì hoàn cảnh như thế đã là tốt lắm rồi".
"Chồng chỉ cần làm phụ một chút việc nhà cũng đủ khiến vợ vui lắm rồi. Tôi đã nội trợ được 5 năm, chồng đi làm lo thu nhập chính. Thế nhưng từ khi dịch bùng lên, anh cũng phải làm việc tại nhà. Hằng ngày, tôi lo nấu cơm, còn chồng ngày ba bữa đều đặn giành việc dọn rửa chén bát, mặc dù anh vẫn phải làm việc từ xa. Lúc chưa có dịch, buổi tối chồng thường phụ dọn việc nhà với vợ, đi đâu cũng báo với tôi một tiếng. Sau 12 năm cưới nhau, chúng tôi có hai con, nhưng bây giờ hai vợ chồng thậm chí còn cảm thấy hạnh phúc hơn lúc mới cưới. Chồng tôi nhận ra nhiều điều cần thay đổi vì trước đây anh là con một và vốn được cưng chiều", bạn đọc Ngoc Hanh nói thêm.
>> 10 năm dang dở sự nghiệp để ở nhà nội trợ
Việc phải ở nhà nhiều ngày liền trong thời gian giãn cách, tác động rất lớn đến tâm lý của mọi người. Với các cặp đôi, buộc phải ở bên nhau là một thách thức khác. Không chỉ liên tục đối diện nhau mà còn những bất an vì dịch bệnh, lo lắng kinh tế, mệt mỏi vì việc nhà, con cái. Khi tâm trạng bất ổn như vậy, bất cứ va quệt nào cũng có thể khơi mào cho xung đột nổ ra.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc san sẻ công việc gia đình để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân trong mùa dịch, độc giả ISam cho rằng: "Hoàn cảnh của gia đình tôi là vợ chủ yêu ở nhà nội trợ. Hôm nào, đi làm về, thấy vợ cằn nhằn hoặc cơm không lành, canh không ngọt gì đó là tôi tuyệt đối không cãi vã, chỉ lặng lặng đi dọn nhà, dọn bếp, lau cầu thang... Tầm một tiếng sau là đâu lại vào đó, không khí trong nhà lại bình thường. Chẳng phải là tôi sợ vợ hay gì, nhưng tôi nghĩ, đàn ông không nên chấp nhặt gì vợ con, ra ngoài làm ăn cãi nhau với thiên hạ chưa đủ sao mà còn về nhà cãi nhau với vợ? Dù thua một tí cũng được, cũng là thua vợ con, không phải người ngoài.
Lúc nghỉ giãn cách này, rất cần mỗi người phải tận dụng thời gian để chăm sóc và vỗ về các thành viên trong gia đình. Đàn ông nên tranh thủ sửa sang nhà cửa, bếp núc, sửa chữa dây điện, phụ vợ lau dọn kệ bếp... Thấy vậy chứ việc nhà lặt vặt mà làm thì mấy ngày cũng không hết. Nếu có con nhỏ thì có thể bày công việc rồi chỉ cho con làm theo, tất nhiên có trẻ con thì công việc sẽ chậm hơn nhưng tăng tính kết nối, lúc đó vợ sẽ rảnh tay để lo việc nấu ăn, đặt đồ ăn, đi chợ online... Chồng chủ động xung phong tắm cho con, phơi đồ thì phụ nữ mới thấy họ được san sẻ. Chứ cái cảnh người thì làm không hết việc, người ngồi bấm điện thoại, hoặc than ngắn thở dài thì ai mà không nổi điên?".
>> Kiếm tiền ngang chồng nhưng tôi vẫn làm hết việc nhà
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Lumia bổ sung: "Dịch bệnh nên khiến các gia đình vô cùng áp lực. Tôi ở Sài Gòn, hai tháng nay không đi làm, hai con nhỏ không đi học, cả nhà chỉ có mình vợ tôi còn đi làm. Nhiều lúc, thấy vợ than phiền là bị âm tiền, tôi cũng rất căng thẳng nhưng chỉ biết động viên vợ cố gắng. Tôi ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cho các con... nên thấy tĩnh tâm. Chỉ những lúc dịch bệnh thế này, chúng ta mới biết quý trọng cuộc sống và những giây phút ở bên nhau. Và tất nhiên là phải có một khoản tiết kiệm để dành, có tiền chi tiêu cho những lúc này thì mới an nhiên được. Ai cũng nói hay là phải thông cảm, phải hiểu, phải chia sẻ, nhưng mà không có tiền thì khó hiểu, khó thông cảm cho nhau lắm".
Chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, độc giả Thanh Phong Nguyễn cho biết: "Tôi ở TP HCM. Từ hôm giãn cách đền nay, tôi dù là đàn ông nhưng vẫn phải san sẻ, thậm chí gánh hết việc nhà từ cơm nước, giặt giũ cho vợ . Con gái tôi 15 tuổi nhưng cũng ít khi nào phụ việc nhà. Tôi cũng phụ vợ chăm sóc ăn uống cho mấy bạn nhân viên bị cách ly. Tiền trợ cấp thất nghiệp của tôi cũng chỉ lo được vài thứ, nhiều khi mệt mỏi, lâu lâu cũng nghe vài câu nói chạnh lòng, nhưng vì thương vợ con nên tôi phải nhẫn nhịn tất cả.
Đây là lúc mỗi người cần bình tĩnh nhất, hãy yêu chân thành, còn chuyện đối phương không quan tâm, hãy cho đi nhiều hơn là nhận lại, khi nào hết dịch thì chúng ta làm lại, có nợ thì trả thôi. Cuộc sống vốn đã mệt mỏi, nay thêm dịch bệnh nữa, hà cớ gì phải rước thêm muộn phiền vào người?".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.