Chỗ để rác cách nhà chục vài mét, trước đây chỉ có Lương đi đổ. Giờ rác trong thùng chưa đầy, Tuấn- chồng cô- đã túm gọn rồi đem vứt. "Ở nhà lâu ngày cuồng chân, anh ấy chỉ trực thời gian đó lấy cớ ra ngoài, hẹn ông hàng xóm nói chuyện", Thanh Lương, 31 tuổi, sống tại quận Tây Hồ, nói.
Người vợ nhắc chồng không nên tiếp xúc hàng xóm lúc dịch bệnh, nhưng Tuấn không nghe. "Anh ấy luôn vỗ ngực nói rằng sức khỏe tốt, khó nhiễm Covid-19". Thuyết phục không được, hai vợ chồng cả ngày mặt nặng mày nhẹ.
Không chỉ vậy, con nghỉ học, chồng ở nhà cả ngày, cơm nước phải nấu đủ 3 bữa khiến người vợ thêm áp lực. Trước đây, Tuấn hay vắng nhà, có hôm tiếp khách đến đêm mới về, giờ chỉ quanh quẩn trước mặt vợ. Nhìn chồng ra thở dài, vào than vãn khiến đầu cô muốn nổ tung.
Tuấn chưa từng chia sẻ việc nhà với vợ. Trước đây, anh thường vắng mặt trong bữa tối, giờ khi cả hai đều ở nhà, câu Lương bị hỏi nhiều nhất là "sao hôm nay chẳng có gì ăn thế?". Hàng tháng, Tuấn đưa vợ 10 triệu đồng bao gồm tiền ăn uống và trả nợ ngân hàng. Thời điểm đó bữa sáng, trưa anh ăn tại cơ quan, tối về ít đụng đũa nên số tiền đó không tính vào chi tiêu gia đình. Khi làm việc tại nhà, cơm đủ ba bữa nhưng tiền sinh hoạt Tuấn không đưa thêm, vợ làm giáo viên tư thục, nghỉ không lương đã mấy tháng.
Để tăng thêm thu nhập, Lương buôn bán online. Khi Covid-19 ngày càng căng thẳng, cô cũng tạm nghỉ. Tiền ít, mọi khó khăn gia tăng áp lực, vợ chồng ra vào đụng mặt liên tục nên mâu thuẫn liên tiếp phát sinh. Từ việc cái nắp bồn cầu không được đặt xuống sau đi vệ sinh hay quần áo vứt bừa bãi trong phòng cũng được phóng đại thành "vấn đề nghiêm trọng", trở thành ngòi nổ cho các cuộc cãi vã.
Vợ chồng Việt Hoàng, Thu Mai, cùng 40 tuổi ở quận Cầu Giấy nằm trong hoàn cảnh như vậy. Thu nhập giảm mạnh do dịch bệnh, con từ trường tư chuyển sang trường công, làm thêm nhiều nghề nhưng không ăn thua... là kết quả năm 2020 của gia đình bốn người này. Hoàng làm xây dựng, vợ nhân viên văn phòng, dịch bệnh hai năm qua khiến kinh tế của cặp đôi điêu đứng. Tuy vậy, Mai ít khi phàn nàn cho đến ngày cả hai bắt buộc ở nhà cùng nhau do lệnh giãn cách, trong khi bọn trẻ về quê nghỉ hè.
Tuần trước, trong một bữa tối, vấn đề thu nhập được nhắc tới. Mai phàn nàn, cả năm qua cô gồng mình để gánh vác kinh tế gia đình trong khi chồng bị nợ lương hơn nửa năm. "Không thể kéo dài mãi thế này, anh phải thay đổi kiếm việc gì khác làm đi, đừng để vợ con thêm khổ", cô làu bàu.
Cuộc khẩu chiến bắt đầu nổ ra. Hoàng kể anh là trụ cột gia đình bao năm qua, giờ dịch bệnh nên cần vợ thông cảm. Mai than, sự thông cảm của cô cũng có giới hạn, mong chồng kiếm việc khác thay vì bám trụ tại công ty. Kết thúc cuộc khẩu chiến, Hoàng giang tay tát vợ khiến Mai choáng váng.
Vài hôm trước cô xem trên mạng chuyện đứa con kể về mâu thuẫn của cha mẹ dẫn đến việc chia đôi mọi thứ trong nhà, phòng ai nấy ở, nồi ai nấy dùng. Từ khi mâu thuẫn với chồng, Mai áp dụng đúng cách thức đó, chia giường bếp xoong nồi với Hoàng, quyết không chung đụng. Cô nấu một bữa ăn cả ngày, thường ăn sớm hơn chồng một tiếng để khỏi chạm mặt, bát đũa ăn xong ai người đó rửa. Cả tuần không nói với nhau câu nào.
Vụ việc đến tai hai bên gia đình, ai cũng khuyên răn vợ chồng nên ngồi lại nói chuyện với nhau. Hoàng vẫn ấm ức việc bị vợ chê bất tài vô dụng, còn Mai lại không thể quên nỗi đau do cái tát đem đến.
"Nếu anh ta không xin lỗi, con quyết không tha thứ", cô nói với gia đình chồng. Trong khi Hoàng than với bố mẹ vợ: "Người ta nói vợ chồng cùng gánh vác khó khăn. Mới một tý đã kêu than khắp nơi, xứng làm vợ không". Khi không khí gia đình quá ngột ngạt, cả hai từng nghĩ đến việc ly hôn với cùng lý do: "Đã hiểu rõ bản chất thực sự của nhau".
Hôn nhân "lung lay" vì đại dịch đã trở thành hiện tượng trên toàn cầu. Trong nửa cuối năm 2020, số đề nghị tham vấn về việc ly hôn tăng gửi đến công ty luật hàng đầu của Anh, Stewarts, tăng 122%. Tại Mỹ, một trang web tạo hợp đồng pháp lý hồi đầu năm 2021 cũng công bố doanh số thỏa thuận ly hôn tăng 34%.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ngay sau khi kết thúc đợt phong tỏa vì Covid-19 ở Trung Quốc, quốc gia Á Đông vốn khá coi trọng các giá trị gia đình. Sự bùng nổ của các cuộc ly hôn đã khiến Trung Quốc phải ban hành một đạo luật buộc các cặp vợ chồng phải trải qua 30 ngày hòa giải sau khi nộp đơn lần một. Sau giai đoạn này, nếu một bên rút khỏi thỏa thuận ly hôn trước 30 ngày, đơn đó sẽ bị hủy bỏ, bên kia phải nộp đơn lại và bắt đầu chờ đợi tiếp 30 ngày, hoặc khởi kiện ly hôn.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, việc phải ở nhà nhiều ngày liền trong thời gian giãn cách, tác động rất lớn đến tâm lý của mọi người. Với các cặp đôi, buộc phải ở bên nhau là một thách thức khác. Không chỉ liên tục đối diện nhau mà còn những bất an vì dịch bệnh, lo lắng kinh tế, mệt mỏi vì việc nhà, con cái. Khi tâm trạng bất ổn như vậy, bất cứ một va quệt nào cũng có thể khơi mào cho xung đột nổ ra.
"Nhiều người tôi biết nói rằng sau đợt giãn cách này sẽ ra tòa dù trước đó họ chưa hề nghĩ đến việc ly hôn", ông Tú nói. Nhà văn khẳng định, trong giai đoạn giãn cách này, các cặp vợ chồng cũng nên thực hiện tinh thần "5 Không":
Không nên hơn thua: Ai thắng thì hôn nhân ấy cũng bại.
Không đòi hỏi: Hãy nhìn những điều đối phương đã làm được chứ đừng chỉ nhìn những điều đối phương chưa làm được.
Không cần lo lắng: Thiên tai- dịch bệnh là thứ chúng ta không đoán trước được cũng như không thể ngăn cản được. Hãy bình tâm cùng nhau. Rồi thì mọi thứ sẽ ổn.
Không được leo thang: Mọi cuộc xung đột đừng đẩy chúng đi xa quá mâu thuẫn ban đầu. Đừng giương buồm khi trời giông bão.
Không có gì là không thể: Thời gian giãn cách là điều kiện tốt nhất để hai vợ chồng tập trung sửa chữa lại chính cuộc hôn nhân của mình bằng cách quan tâm, chia sẻ và khám phá nhau nhiều hơn.
"Hãy dành khoảng thời gian này để cùng nhau gia cố lại nền tảng cho hôn nhân. Nếu muốn làm sẽ tìm ra giải pháp, không muốn sẽ chỉ thấy những lý do", ông Tú khẳng định.
Hải Hiền