Tôi là một người vợ, người mẹ trong gia đình. Thay vì ra ngoài đi làm kiếm tiền, tôi chủ yếu ở nhà chăm sóc gia đình, con cái. Trước đây, mỗi khi nói đến việc tôi chỉ ở nhà nội trợ, chồng tôi lại bảo: "Sao em không tìm việc gì làm mà làm, cứ ở nhà hoài vậy?". Trong khi đó, mỗi lần tôi tìm được việc thì con bệnh, chồng phải đi công tác dài ngày hoặc đi học thêm chuyên môn gì đó. Tôi nói ra lý do đó với chồng thì anh lại chê trách: "Nhà người ta cũng vậy, sao vợ người ta làm được mà em lại không?".
Cứ như vậy, sau 10 năm làm vợ chồng, anh đắp lên người 10 năm kinh nghiệm, hàng loạt chứng chỉ chuyên gia, đặc biệt là bằng Thạc sĩ chuyên ngành loại giỏi. Lương của chồng nhờ thế cũng được tính bằng đôla. Con cái chúng tôi cũng chưa bao giờ phải hối tiếc vì thiếu thốn thứ gì. Còn tôi, chắc chắn rồi, 10 năm kinh nghiệm làm việc nhà, 1/2 chặng đường đại học liên thông dở dang. Tôi tặc lưỡi: "Chắc đi dọn nhà thuê cũng sống được qua ngày".
Rồi Covid-19 ập đến khiến chồng phải ở nhà nhiều hơn. Cao điểm là quãng thời gian giãn cách xã hội, không được ra đường. Thế là chồng phải ở nhà làm việc từ xa. Lâu dần, anh nảy sinh tâm lý ức chế. Tôi biết vậy nên thỉnh thoảng bỏ sang nhà bố mẹ đẻ vài hôm, để lại cho chồng một mớ bòng bong những việc nhà cần giải quyết. Và chồng tôi đã được trải nghiệm hầu hết những công việc nhà như trông trẻ, chợ búa cơm nước, vệ sinh, lau dọn nhà cửa... sau vài đợt nghỉ dịch.
>> Trầm cảm vì chồng kiếm 100 triệu, vợ ở nhà
Sau vài ngày được "nếm mùi", thực ra cũng chỉ là mấy việc chăm sóc nhà cửa, nấu nướng... (chắc có lẽ bằng một nửa khối lượng việc nhà hằng ngày mà tôi phải làm, bao gồm cả đưa đón hai con đi học, đi chợ, giặt ủi quần áo...), chồng tôi cuối cùng đã tự hiểu ra rằng vợ đã phải làm những công việc gì mỗi ngày? Có phải chỉ là ở nhà chơi không?
Tất nhiên, tôi không chắc tất cả các gia đình đều ở vào hoàn cảnh như chúng tôi. Nhưng tôi tin gia đình tôi là hình mẫu gia đình cơ bản trên toàn thế giới. Cho nên, tôi mong các anh chồng hãy hiểu cho những vất vả mà một người vợ ở nhà phải chịu đựng mỗi ngày. Và tôi cũng khuyên các bà mẹ hãy dạy cho các con mình hiểu về trách nhiệm riêng của chồng, của vợ trong gia đình. Để các thế hệ kế tiếp của chúng ta có thể sống hạnh phúc và công bằng hơn.
Theo báo cáo, nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động - việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy có hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ này trên toàn cầu là 47,2% và tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 43,9%.
Mặc dù mức chênh lệch giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam ít hơn so với thế giới nhưng vẫn ở mức 9,5% suốt thập kỷ qua. Số liệu điều tra lao động - việc làm (2018) cho thấy gần một nửa số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì "lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.