Bé Liên khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng đau đầu, mặt bên trái không cử động khi cười, nói, kết quả nội soi tai và chụp CT cho thấy ổ áp xe chèn ép dây thần kinh mặt (dây thần kinh số 7), nhiễm trùng bắt đầu lan sâu vào các tổ chức bên trong.
Ngày 25/2, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé Liên bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm tai giữa ứ mủ sau khi mắc cúm. Tình trạng viêm tai giữa biến chứng thành viêm tai xương chũm, làm tổn thương dây thần kinh mặt (dây thần kinh số 7) dẫn đến liệt mặt là trường hợp nguy hiểm.
"Virus cúm gây viêm các mô mũi, tăng số lượng nên có khuynh hướng di chuyển vào tai giữa qua vòi nhĩ", bác sĩ Hằng giải thích, thêm rằng vòi nhĩ của trẻ ngắn và ngang hơn so với người lớn. Đồng thời, hệ miễn dịch của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện, khả năng chống lại tác nhân gây bệnh kém nên virus dễ dàng xâm nhập vào tai giữa, gây viêm tai giữa ứ mủ. Nhiễm trùng, viêm có mủ trong tai giữa không điều trị kịp thời, tiếp tục lây lan sang các mô lân cận dẫn đến viêm xương chũm, hình thành ổ áp xe, phá vỡ cấu trúc bên trong tai, tổn thương dây thần kinh mặt gây liệt mặt.
Bệnh nhi được phẫu thuật nội soi kết hợp kính vi phẫu mở màng nhĩ dẫn lưu dịch mủ. Bác sĩ đặt một ống thông khí để duy trì thông khí cho tai giữa, sau đó khoan bỏ phần xương chũm bị nhiễm trùng, giải áp dây thần kinh mặt bị khối áp xe chèn ép.

Bác sĩ Hằng (trái) và êkíp phẫu thuật tai xương chũm cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hậu phẫu, các tổn thương được loại bỏ, bảo tồn mô lành xung quanh, bệnh nhi xuất viện sau ba ngày, triệu chứng cải thiện.
Trẻ em dễ nhiễm cúm, nhất là vào các thời điểm giao mùa. Bác sĩ Hằng khuyến cáo phụ huynh nên theo dõi các triệu chứng của con để đi khám kịp thời, hạn chế biến chứng diễn tiến nhanh. Triệu chứng nhận biết trẻ viêm tai giữa thường gặp gồm đau tai, nhất là khi nằm, khó ngủ, khóc nhiều, nghe kém, sốt 38 độ C trở lên, chảy dịch từ tai.
Uyên Trinh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |