Theo danh sách đăng ký ban đầu được Liên đoàn Bóng đá châu Á AFC công bố, chiều cao trung bình của 624 cầu thủ dự giải là 1,798 m. Trong 14 đội thấp hơn mức trung bình, Việt Nam xếp cuối với 1,754 m. Trong thành phần đội tuyển, người cao nhất thủ môn nhập tịch Nguyễn Filip ở mức 1,92 m, còn lại không có cầu thủ nào cao từ 1,85 m trở lên.
Những con số thống kê trên đặt ra nhiều hoài nghi cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nói chung và các CLB trong nước nói riêng trong chuyện chăm sóc dinh dưỡng và chế độ luyện tập để cải thiện thể hình cầu thủ Việt. Độc giả Duy Khang chia sẻ lo lắng: "Chừng nào người làm thể thao nước nhà còn mang tư tưởng 'nuôi ăn' thay vì 'nuôi đúng, nuôi khỏe', thì chừng đó thể trạng, chiều cao, cân nặng, tầm vóc của những vận động viên Việt Nam sẽ còn đội sổ.
Tôi rất đau xót khi ngay cả vấn đề cơ bản nhất là ăn uống, chế độ dinh dưỡng, mà ở ta còn đôi khi bị ngó lơ, xem nhẹ. Khi đó, chúng ta đừng mơ ước đến những chuyện cao xa hơn (định hướng đào tạo vận động viên, môn mũi nhọn, hay gì đó). Và khi đó, thành tích, nếu có, cũng sẽ chỉ phần nhiều là những phút giây xuất thần của một vận động viên nào đó, chứ hoàn toàn không phản ánh đúng bản chất của thể thao Việt Nam".
Cùng chung thắc mắc về chiến lược đầu tư lâu dài cho bóng đá Việt, bạn đọc Tranthanhcong đặt dấu hỏi: "Không hiểu các lò đào tạo bóng đá trong nước đang có kế hoạch dinh dưỡng cho cầu thủ trẻ thế nào? Nhìn dàn cầu thủ Việt Nam ngày nay, dù có dày mình hơn trước đây nhưng chiều cao vẫn rất thấp. Trong khi đó, nhìn chung, thế hệ sinh sau năm 2000 đều rất cao? Chẳng lẽ do cầu thủ không chịu tập luyện? Nhiều cầu thủ của chúng ta thấp bé, nhẹ cân, nhưng lại không thấy tập luyện để cải thiện tầm vóc, như vậy thì chạy sao lại với các đối thủ ở châu Á?".
>> HLV Troussier có quyền không thắng để giấu bài
Lo lắng cho tương lai của bóng đá nước nhà khi cầu thủ Việt quá thấp, độc giả Ngocphap bình luận: "Cách đây hơn 50 năm, tôi thấy người Việt cũng đâu có thấp bé, nhẹ cân như thế. Còn bây giờ, sau hơn 50 năm, ai cũng thấy người Việt thuộc hàng thấp nhất châu Á, thậm chí là thế giới. Vì đâu nên nỗi này?
Việc chiều cao trung bình của đội tuyển bóng đá quốc gia càng ngày càng giảm là một tín hiệu rất đáng lo. Trước đây, thời HLV Hoàng Anh Tuấn còn cầm đội trẻ, chúng ta có tầm nhìn tư duy rất tiến bộ. Cách đây gần 10 năm, việc tuyển chọn cầu thủ trẻ, có phẩm chất nhưng cũng có thể hình rất tốt luôn được coi trọng. Thế nên, chúng ta mới có những Văn Hậu, Hoàng Đức, Tấn Tài, Trọng Đại, Tấn Sinh, Tiến Dũng... đều có chiều cao từ 1,8 mét trở lên.
Đến thời ông Park, tôi thấy các cầu thủ được sử dụng cũng có chiều cao tốt, trung bình cũng luôn trên 1,78 mét. Vậy mà đến giờ, chiều cao các tuyển thủ lại thụt lùi nghiêm trọng. Với thể hình thế này, tôi không biết đội tuyển sẽ đá với các đối thủ ở châu lục thế nào? Ngay cả ở khu vực ĐNA mà cầu thủ Việt Nam cũng thua kém thì làm sao vươn ra biển lớn được? VFF nên nghiêm túc xem lại vấn đề này".
Nói về khả năng tăng chiều cao cho cầu thủ Việt, bạn đọc Dinhnhatanh nhấn mạnh vai trò của chế độ dĩnh dưỡng: "Tư duy con thấp còi do Gen đã xưa rồi. Tôi cao 1,7 mét, nặng chưa đến 60 kg, vợ tôi cũng chỉ 1,54 mét, nhưng con trai lớn của chúng tôi năm nay 16 tuổi đã cao bằng bố, con trai út hơn 5 tuổi cũng đã cao 1,28 mét. Rõ ràng, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt rất quan trọng trong việc phát triển tầm vóc. Chế độ dinh dưỡng đúng, tốt, chế độ vận động phù hợp sẽ giúp hình thể phát triển vượt trội. Đó sẽ là điều mà những người làm thể thao ở Việt Nam phải quan tâm, thay đổi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.