Chị Mai Loan, 33 tuổi, nghiên cứu sinh tại Pháp, quyết định "bảo hiểm cho khả năng sinh sản" do chưa gặp được ý trung nhân. "Chi phí tại Pháp 4.400 - 5.700 USD, thủ tục phức tạp, nhất là khi cần tinh trùng hiến tặng để thụ tinh ống nghiệm", chị chia sẻ hôm 29/1, thêm rằng cũng muốn con được thành hình ở quê cha đất tổ nên chọn về Việt Nam.
Tương tự, Thanh Hoa, 29 tuổi, du học sinh ở Nhật Bản, cũng trữ trứng nhân dịp về Tết. Chị Hoa có bạn trai, dự định kết hôn sau khi học xong thạc sĩ hai năm tới. Gần đây, kinh nguyệt của chị thưa ít, chỉ số dự trữ buồng trứng ở mức "báo động", chỉ 0,5 ng/mL (<2,2 ng/mL là chỉ số dưới trung bình).
Chi phí thụ tinh ống nghiệm (IVF) tham khảo tại Nhật là 4.800-5.700 USD, trong khi tại Việt Nam chỉ bằng 1/3. Có 3 tuần nghỉ Tết, chị Hoa về nước sớm hơn để thực hiện kế hoạch trữ trứng, tiết kiệm chi phí.
Còn chị Hồng Hải, tiến sĩ hóa học tại Canada, mải theo sự nghiệp đến 41 tuổi mới lấy chồng. Kết hôn hai năm chưa có con, chi phí khám sức khỏe sinh sản tại Canada đắt đỏ, chờ đợi lâu nên họ đợi dịp Tết về Việt Nam khám.
Ba tháng gần đây, chị có biểu hiện sụt cân, rối loạn kinh nguyệt, táo bón, phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn một, cần phẫu thuật. Chị Hải được bác sĩ tư vấn trữ trứng bảo tồn khả năng sinh sản trước điều trị.
Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), cho biết đây là 3 trong hàng trăm ca Việt kiều trữ trứng dịp cuối năm tại viện.
Thống kê tại IVF Tâm Anh, số ca trữ trứng quý IV năm 2023 tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 1/2024, số khách trữ trứng tăng 20% so với tháng trước. Việt kiều chiếm 1/3 trong số ca, có ngày 100% khách tới trữ trứng là Việt kiều. Số lượng khách đặt lịch trữ trứng dịp gần, trong và sau Tết là Việt kiều, du học sinh hiện tại lên đến hàng trăm người.
Trữ lạnh noãn còn gọi là bảo quản lạnh tế bào trứng đã trưởng thành là kỹ thuật được áp dụng để trì hoãn thời gian mang thai cho người phụ nữ. Noãn sẽ được chọc hút từ buồng trứng, đông lạnh và bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C trong nitơ lỏng, bảo toàn chất lượng tốt nhất đến khi được sử dụng.
Ban đầu, đông lạnh trứng chủ yếu được chỉ định cho những trường hợp phụ nữ có nguy cơ vô sinh do bệnh lý hoặc giảm dự trữ buồng trứng, thường gọi là "đông lạnh trứng y tế". Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến phương pháp này để đề phòng suy giảm khả năng sinh sản do tuổi tác (gọi là trữ trứng xã hội). Ngoài ra, khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nếu người chồng không lấy được mẫu tinh trùng, noãn sẽ được trữ lại.
PGS Hoàng lý giải tỷ lệ kiều bào về nước trữ trứng tăng đột biến vì sự hiểu biết và quan tâm đến sức khỏe sinh sản ngày càng nâng cao. Tranh thủ về nước ăn Tết kết hợp trữ trứng giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Chi phí thực hiện trữ trứng tại nước ngoài đắt đỏ, thủ tục phức tạp, một số người mong muốn con được thành hình từ quê hương của cha mẹ.
Tại IVF Tâm Anh, kết quả xét nghiệm nội tiết, dự trữ buồng trứng, siêu âm phần phụ trong chuẩn, chị Loan được kích trứng phác đồ nhẹ và thu được 10 noãn chất lượng ngay trong lần chọc hút đầu tiên. Mức chi phí chỉ bằng 1/5 so với Pháp.
"Quá trình thực hiện không đau đớn, chỉ như khám phụ khoa, rất nhẹ nhàng", chị Loan nói. Trong khi đó, chị Hoa được PGS Hoàng chỉ định "kích đúp" nhằm đạt được số lượng trứng trữ bệnh nhân mong muốn. Lần đầu tiên chị Hoa thu được hai noãn, nghỉ ngơi 5 ngày kích trứng gom noãn lần hai. Còn chị Hải hiện trong quá trình khám và chuẩn bị kích và gom trứng.
PGS Hoàng cho biết trước khi trữ trứng, phụ nữ cần cân nhắc các yếu tố tuổi tác, bệnh lý đi kèm, thời gian dự định có con. Trong đó, ba đối tượng cần quan tâm trữ trứng sớm bao gồm: phụ nữ có bệnh lý phải cắt bỏ buồng trứng, ung thư buồng trứng, bệnh lý ung thư; phụ nữ suy giảm dự trữ buồng trứng phải gom trứng nhiều lần; người chưa có kế hoạch sinh con khi tuổi tác càng lớn thêm.
Phụ nữ nên trữ trứng trước 35 tuổi vì số lượng và chất lượng trứng sau tuổi này sẽ giảm dần. Trứng có thể được trữ lạnh thời gian dài mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sau khi rã.
"Tuy nhiên, đây không phải là cách đảm bảo có con, phụ nữ cần cân nhắc thời gian mang thai vì tuổi tác có thể ảnh hưởng đến thai kỳ cũng như việc chăm sóc con cái", bác sĩ Hoàng lưu ý.
Với trường hợp Việt kiều về nước, thời gian lưu trú ngắn, phác đồ "kích đúp trứng" trong một chu kỳ được cân nhắc dựa trên sức khỏe và tình trạng từng bệnh nhân để kết quả tối ưu.
Thanh Ba
* Tên các nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |