Đồng cảm với câu chuyện "Nỗi oan những bác sĩ 'vô cảm'", độc giả Phan Hồng Vân lý giải cho thái độ lạnh lùng của phần lớn y bác sĩ với bệnh nhân: "Tôi có em gái cũng đang học Y. Vì nuôi bác sĩ nên tôi hiểu phần nào chữ 'cực' của những người học ngành này. Trước đó, cùng lắm tôi cũng chỉ tặc lưỡi bảo rằng học y cực lắm, còn cực thế nào thì không hiểu hết được.
Ở bệnh viện, tiếp xúc với những người lạ, máu me, bệnh nặng, sinh tử, nên người bác sĩ được tôi luyện để trở nên 'vô cảm' hơn. Vô cảm ở đây không phải là họ không đau lòng, không thấu hiểu cho bệnh nhân, mà là vì họ không có đủ thời gian cho việc đó. Họ phải mạnh mẽ hơn, lạnh lùng hơn để còn chữa bệnh. Nếu lê thê, dài dòng, ủy mị với một hoàn cảnh, thì ai lo cho hàng trăm ca bệnh còn lại mà người bác sĩ đó đang phải theo dõi chữa trị?
Chung quy lại, tôi chỉ hy vọng nước ta có điều kiện đầu tư thêm cơ sở vật chất cho bệnh viện, giảm tải tuyến trên, phát huy tuyến dưới, để người dân đỡ phải bôn ba lặn lội lên thành phố để khám chữa bệnh; hy vọng thu nhập của bác sĩ sẽ tương xứng hơn với công sức mà họ đã miệt mài bỏ ra suốt cả cuộc đợi, kể từ lúc 18 tuổi bước chân vào trường Y".
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Hoàng Khánh Linh chia sẻ nỗi vất vả với các y bác sĩ: "Tôi dạy kèm tiếng Anh cho một bạn bác sĩ còn ít tuổi hơn mình. Bạn là một nữ bác sĩ làm ở khoa Nhi. Có hôm, bạn đi làm về muộn, vừa ngồi học vừa kể hôm nay có một ca tai nạn, người mẹ tử vong tại chỗ, bệnh viện cố cứu hai đứa bé sinh đôi, nhưng chỉ tạm cứu được một đứa bé. Cả kíp dồn sức vào đứa trẻ cuối cùng đấy nhưng đến rạng sáng không qua khỏi. Bạn chính là người ra báo với người nhà rằng không cứu được một ai cả. Rối bạn lập tức tiếp tục ca làm cả ngày hôm đó, thăm khám những đứa trẻ con ốm đau, tối về tắm rửa ăn cơm rồi học tiếng Anh (vì bạn muốn đọc được nhiều tài liệu Y khoa quốc tế hơn). Một cô bé mới chỉ 25 tuổi, chưa lập gia đình, nhưng ngày nào cũng phải nghe tiếng những đứa trẻ khóc ngằn ngặt vì đau đớn. Người bác sĩ họ không thể khóc được, vì nếu họ khóc sẽ không có ai cầm dao mổ cả. Bác sĩ là một nghề rất cao quý".
>> 4 thái độ bác sĩ khi tôi đi khám khối u
Khẳng định thái độ lạnh lùng của bác sĩ xuất phát từ việc quá tải trong công việc, độc giả Trochoima nhấn mạnh: "Khách hàng cũng có nhiều người thế này, thế kia, ngành nào cũng vậy, nên việc bị chửi cũng là dễ thấy. Cách để tránh phải đôi co với khách hàng là im lặng, bác sĩ im lặng, giao dịch viên im lặng, tư vấn viên im lặng... Bác sĩ không hề vô cảm, mà chỉ là họ đang "quá tải". Bất kỳ ngành nào, khi nhân viên bị quá tải, họ đều không cười nói, chào hỏi gì hết. Đừng suốt ngày khẩu hiệu 'bác sĩ phải hy sinh' khi tiền học phí vay ngân hàng bạn có trả thay họ được không? Tôi chỉ mong bệnh nhân biết điều kiện hiện tại và nên chấp nhận dịch vụ như vậy. Nếu có điều kiện, bạn hoàn toàn có thể vào bệnh viên tư với dịch vụ niềm nở hơn mà".
"Tôi không làm ngành Y, nhưng hiểu người làm ngành này phải trả giá những gì để thành bác sĩu. Họ học hành vất vả từ cấp ba, thâu đêm suốt sáng, vừa thức trực vừa học. Học phí, giáo trình lại đắt tiền. Họ cũng muốn được nhận đồng lương xứng đáng (mà không cần phải chạy phòng khám tư hay những dịch vụ khác). So sánh với ngành nghề nào khác cũng là khập khiễng. Bạn không thể đòi người ta tự bỏ công sức tiền bạc ra học tập rồi trả thù lao bèo bọt và yêu cầu người ta hết lòng với nghề được. Trừ khi bạn đã giàu sẵn, chứ lương tâm hay công nhận gì của xã hội không thể mài ra ăn", bạn đọc Má sấp nhỏ nói thêm.
Khẳng định sự cao quý của nghề Y, độc giả Minh minh gửi lời nhắn nhủ tới những người đang trên con đường trở thành bác sĩ: "Khi đã dấn thân vào nghề này, hẳn ai cũng biết đây là môi trường đầy tiêu cực. Không có ai đến với bạn trong tâm trạng vui vẻ, lạc quan, nên cũng đừng mong người ta sẽ nhìn thấy những mệt mỏi mà mình đang phải gánh chịu trong đêm trực. Xung quanh bạn sẽ chỉ toàn ốm đau, bệnh tật, lo lắng, giận dữ. Các bạn trẻ, nếu đã chọn nghề Y này, hãy cố gắng tập cho mình một tinh thần thép, cố gắng giữ vững bản lĩnh trước những đau khổ, giận dữ mà người nhà và bệnh nhân trút lên mình. Cố gắng đừng gục ngã, bởi vì một khi đã gục ngã, các bạn sẽ không bao giờ đứng dậy được".
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.