Trả lời:
Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, phù nề, xuất tiết nhiều dịch nhầy gây tắc nghẽn các lỗ thông xoang. Triệu chứng gồm nghẹt mũi, chảy mũi, đau nhức vùng mặt và quanh hốc mắt, đau đầu, sốt, giảm độ nhạy của khứu giác, hôi miệng...
Viêm xoang cấp tính là quá trình viêm niêm mạc mũi xoang khởi phát đột ngột, diễn tiến nhanh, triệu chứng có thể kéo dài đến 4 tuần. Bệnh thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên, xảy ra một hoặc nhiều đợt trong khoảng thời gian nhất định.
Viêm mũi xoang mạn tính thường kéo dài hơn 12 tuần, do viêm xoang cấp tính không điều trị dứt điểm, tái phát nhiều lần. Các tác nhân như dị ứng, bất thường trong cấu trúc mũi xoang như lệch vách ngăn, polyp mũi... làm tăng nguy cơ bùng phát triệu chứng.
Viêm xoang không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ở đường hô hấp, mắt, não (nhiễm trùng não, viêm màng não, áp xe não), tai, mạch máu... Người bệnh cũng có thể bị sưng trán, đau đầu, sốt, co giật, cổ căng cứng.
Viêm xoang gây biến chứng mắt dẫn đến các triệu chứng gồm sưng đỏ mắt, hốc mắt, đau mắt, thay đổi thị lực, mí mắt nặng trĩu. Trường hợp viêm xoang do vi khuẩn hoặc nấm có thể lan rộng đến những cơ quan xung quanh như hốc mắt gây viêm, phù nề hốc mắt, yếu liệt vận nhãn (mất khả năng kiểm soát chuyển động của mắt).
Biến chứng viêm xoang gây mù mắt có thể xảy ra song ít gặp. Nhóm người có nguy cơ cao gồm người bệnh viêm xoang do nấm và có miễn dịch yếu như mắc tiểu đường, không kiểm soát đường huyết tốt, chủ quan không điều trị viêm xoang.
Bạn bị viêm xoang nên duy trì khám định kỳ theo lịch hẹn và tuân thủ điều trị của bác sĩ. Không chủ quan với các triệu chứng, không tự uống thuốc hoặc tự tăng, giảm liều. Để phòng ngừa viêm xoang biến chứng, bạn nên tránh các yếu tố gây bệnh như virus cảm cúm, tiêm vaccine phòng cúm. Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, hóa chất. Giữ ấm mũi xoang, không hút thuốc lá, tăng cường hệ miễn dịch, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vận động mỗi ngày. Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ.
ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |