Trả lời:
Viêm xoang là một trong các bệnh tai mũi họng phổ biến nhất, có xu hướng trở nặng khi thời tiết lạnh. Bệnh xảy ra khi các niêm mạc mũi bị kích ứng quá mức, viêm, sưng tấy, dẫn đến tổn thương mạch máu, gây chảy máu mũi.
Người bệnh có thói quen xì mũi, ngoáy mũi mạnh làm tăng nguy cơ chảy máu mũi do chấn thương. Tình trạng chảy máu có thể xuất phát từ mũi trước hoặc mũi sau, chảy nhiều hoặc ít, nhưng đa phần lành tính, có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Để nhận biết viêm xoang chảy máu mũi chủ yếu dựa vào các triệu chứng của viêm xoang kèm với tình trạng chảy máu mũi. Triệu chứng có thể bao gồm đau tức vùng mặt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, khó thở, mệt mỏi, đau đầu, dịch mũi màu nâu lẫn vệt máu, máu chảy ra từ mũi...
Thông thường các bệnh nhiễm trùng xoang có thể khỏi sau một đến hai tuần. Tuy nhiên, các thành xoang mỏng, có chung đường viền với các mô xung quanh bao gồm mắt, não, các dây thần kinh và mạch máu chính nên một số trường hợp có thể trở nặng, phát sinh các biến chứng nguy hiểm dưới đây.
Nhiễm khuẩn mắt: Hốc mắt là khu vực rất nhỏ, kín, khi sưng, viêm có thể tăng áp lực và tổn thương mắt vĩnh viễn. Trường hợp nhiễm trùng xoang ở mắt nguy hiểm do viêm nhiễm có thể lây lan dọc theo đường dẫn mạch máu và hệ thần kinh, gây viêm màng não, tử vong.
Trẻ em có nguy cơ cao biến chứng nhiễm trùng xoang ở mắt do xương mặt đang trưởng thành, khe hở giữa xoang và hốc mắt chưa đóng lại.
Biểu hiện nhiễm khuẩn mắt gồm sưng húp hốc mắt, sưng mắt hoặc viêm nhiễm xảy ra phía sau mắt, đẩy mắt về phía trước trong hốc mắt và khiến mí mắt không thể nhắm lại.
Nhiễm khuẩn não: Một số trường hợp nhiễm trùng xoang không được điều trị đúng cách có thể lan đến não hoặc các mô xung quanh não. Người bệnh có nguy cơ co giật, mất thính lực, đột quỵ, tổn thương não vĩnh viễn, tử vong.
Người bệnh nên đến bệnh viện sớm nếu có dấu hiệu như nhức đầu, sốt, buồn nôn, cứng cổ hoặc trạng thái tinh thần thay đổi đột ngột, mất chức năng một số bộ phận cơ thể.
Nhiễm khuẩn xương: Viêm xoang cấp tính, viêm xoang tái phát và nhiễm trùng xoang mạn tính đều có thể lan đến xương xung quanh xoang. Xương bị nhiễm trùng khó điều trị.
U nhầy xoang: U nhầy hay còn gọi là Mucocele là tập hợp chất nhầy trong xoang từ từ nở ra theo thời gian. Áp lực từ u nhầy có thể làm xói mòn hoặc tái tạo xương liền kề với nó, thoát vị qua xương vào các cấu trúc xung quanh như mắt, não gây rối loạn thị giác (chiếm 85% các trường hợp), nhìn đôi (45%), lệch mặt, đau đầu... Lúc này bác sĩ cần dẫn lưu phẫu thuật cho người bệnh.
Nếu viêm xoang chảy máu mũi kéo dài hơn hai tuần không cải thiện, bạn nên tới các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được bác sĩ điều trị đúng cách. Chảy máu mũi có thể do viêm xoang nhưng cũng có thể do các tình trạng khác, không nên chủ quan.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |