Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Thế Trường, Phó trưởng Khoa Nam học tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, một chế độ ăn uống lành mạnh không thể chữa khỏi viêm tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, việc này đem lại nhiều lợi ích như làm chậm tốc độ tổn thương của tế bào, giảm kích ứng và các triệu chứng khó chịu, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình điều trị, tăng cường sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Người bệnh nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa mạnh, điển hình như Lycopene. Sắc tố hữu cơ dễ hòa tan trong chất béo này có khả năng làm giảm tổn thương và bảo vệ tế bào khỏi quá trình hư hại, đồng thời giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Lycopene có nhiều trong rau quả có màu từ hồng tới đỏ như bưởi, cà chua, dưa hấu...
Các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất, quả lựu... cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào, giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại ra khỏi cơ thể, góp phần làm giảm viêm tuyến tiền liệt. Hoạt chất Sulforaphane có trong một số loại rau họ cải như súp lơ, bắp cải, cải xoăn.... cũng có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư có chọn lọc, bảo vệ các tế bào tuyến tiền liệt khỏe mạnh.

Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt nên ăn cà chua. Ảnh: Freepik
Trong thực đơn hàng ngày, nam giới cũng nên bổ sung trà xanh để tận dụng khả năng ức chế sự phát triển của khối u, tế bào chết tại tuyến tiền liệt và ổn định hormone. Các loại đậu chứa nhiều hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học (Phytoestrogen) như Isoflavones có khả năng giảm 20% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và giảm viêm hiệu quả. Đồng thời, nhóm trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, ổi hay nhóm thực phẩm chứa nhiều Omega-3 như cá hồi, cá mòi, cá thu... giúp ngăn ngừa, giảm viêm và bảo vệ tuyến tiền liệt hiệu quả.
Với nhóm thực phẩm nam giới bị viêm tuyến tiền liệt nên tránh, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thế Trường cho rằng đó là thịt đỏ và thịt chế biến, rượu, sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai.... Caffeine có thể gây co thắt hoành niệu dục và cơ bàng quang, khiến triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mạn tính càng nghiêm trọng, nam giới nên tránh uống cà phê, trà, ca cao. Nếu đang ở giai đoạn tuyến tiền liệt bị viêm nghiêm trọng, cần tránh thực phẩm cay nóng. Ngoài ra, hạn chế ăn muối cũng sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn không an toàn cho nam giới bị viêm tuyến tiền liệt. Ảnh: Freepik
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm ở tuyến tiền liệt, gây đau vùng chậu, háng, bộ phận sinh dục, khó tiểu, với nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm vi khuẩn. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở nam giới từ 30 - 50 tuổi. Nguy cơ viêm tuyến tiền liệt cao hơn ở nam giới từng mắc bệnh, chấn thương vùng háng, người có đặt thông tiểu, sinh thiết tuyến tiền liệt, nhiễm HIV/AIDS, tổn thương sau phẫu thuật, thường xuyên bị căng thẳng.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thế Trường lưu ý, ngoài xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, nam giới bị viêm tuyến tiền liệt nên quản lý cân nặng, bỏ thuốc lá, tập thể dục đều đặn, kiểm soát cảm xúc... Đặc biệt, nam giới nên chú trọng việc vệ sinh bộ phận sinh dục để hạn chế sự lây lan vi khuẩn có hại cũng như cải thiện một số triệu chứng khó chịu do viêm.
Hân Thái