Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Xương chũm tai thuộc xương thái dương của hộp sọ. Viêm tai xương chũm đa phần do viêm tai giữa cấp tính tiến triển gây bít tắc ống eustachian, dẫn đến tình trạng viêm và nhiễm trùng xương chũm.
Ống eustachian là ống thông từ tai giữa đến họng - mũi, có nhiệm vụ lưu thông dịch hoặc thông khí từ tai giữa. Nếu ống này bị thu hẹp do viêm nhiễm hoặc bụi bẩn tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Yếu tố nguy cơ
Viêm tai xương chũm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng trẻ em khoảng 1-2 tuổi dễ bị nhiễm trùng tai giữa có nguy cơ viêm xương chũm cao hơn.
Người có tình trạng suy giảm miễn dịch, viêm tai giữa cấp tính tái lại nhiều lần cũng có khả năng cao mắc bệnh này.
Dấu hiệu
Tùy giai đoạn, bệnh biểu hiện triệu chứng khác nhau.
Viêm tai xương chũm cấp
Viêm tai xương chũm cấp thường kéo dài 5-7 ngày với các triệu chứng ban đỏ sau thất, đau, nóng, dái tai sưng tấy. Soi tai cho thấy một vùng sưng đỏ sau tai và khối phồng có mủ phía sau màng nhĩ. Màng nhĩ có thể bị vỡ và chảy mủ.
Trẻ em xuất hiện các triệu chứng đặc hiệu như khó chịu, quấy khóc, hôn mê, sốt, sưng sau tai, đau tai, trong khi người lớn bị đau tai dữ dội, sốt kèm đau đầu.
Viêm tai xương chũm mạn
Các đợt viêm thường kéo dài trên 30 ngày và dễ tái phát. Các triệu chứng thường gặp, gồm xuất hiện mủ ở vùng tai với mức độ đau tăng dần, lan xuống vùng cổ và nửa bên đầu, màng nhĩ đỏ; da trên bề mặt xương chũm sưng đỏ, cảm giác đau tăng lên khi ấn vào xương chũm. Có thể kèm theo viêm mũi, họng, sốt cao kèm nôn, co giật, cứng gáy khi bệnh tiến triển.
Biến chứng
Thông thường, viêm tai xương chũm không nguy hiểm nếu không có biến chứng. Bệnh cũng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Bác sĩ có thể điều trị bằng kháng sinh hoặc phẫu thuật cho người bệnh. Điều trị càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao, càng rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí và ngược lại.
Viêm tai giữa cấp có biến chứng viêm tai xương chũm thường liên quan đến các biến chứng nội sọ nặng. Bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nặng, dẫn đến tử vong.
Phòng ngừa
Phương pháp phòng bệnh viêm tai xương chũm quan trọng nhất là tiêm vaccine. Người không được tiêm chủng dễ bị nhiễm phế cầu khuẩn, thường gây viêm tai giữa và từ đó dẫn đến viêm xương chũm.
Nên tiêm vaccine phế cầu 13, nhất là trẻ từ 6 tháng tuổi và người bị suy giảm miễn dịch. Đây là nhóm nguy cơ cao nhất mắc bệnh viêm tai xương chũm.
Khánh Phương
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |