Trả lời:
Viêm tai giữa là bệnh lý nhiễm trùng tai giữa, xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa (khoảng trống phía sau màng nhĩ). Tai giữa viêm có thể chứa đầy mủ, gây nghe kém, tạo áp lực vào màng nhĩ khiến đau buốt. Trong các đợt nhiễm trùng cấp tính, trẻ có thể sốt 38-39 độ C, chán ăn, bú kém, khó chịu, gãi tai...
Bệnh phổ biến ở trẻ 0-8 tuổi, trong đó thường gặp nhất là trẻ dưới ba tuổi do đặc điểm cấu trúc giải phẫu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trong hệ thống tai mũi họng, tai có một đường thông gọi là vòi eustache, thông xuống vòm, nơi có VA (một loại amidan vòm). Trẻ nhỏ có vòi eustache ngắn, hẹp nên dịch tiết của viêm VA có thể trào ngược lên tai trong tư thế nằm hoặc hỉ mũi sai cách dẫn đến viêm tai giữa. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm yếu tố gia đình, tác nhân dị ứng, bệnh mạn tính như hen suyễn, xơ nang...
Viêm tai giữa được chẩn đoán thông qua nội soi tai, kết hợp với bệnh sử, triệu chứng của bệnh nhi. Kết quả nội soi trẻ viêm tai giữa cấp tính cho thấy màng nhĩ sung huyết, phình lên, nhiều dịch phía sau màng nhĩ, thủng màng nhĩ hoặc chảy dịch trong ống tai.
Nếu trẻ có dấu hiệu sốt, đau tai, cảm giác đầy tai, ù tai... bạn nên đưa con tới bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Một số thể viêm tai giữa có thể tự khỏi sau 7 đến 10 ngày, tuy nhiên, bạn không tự ý điều trị viêm tai giữa cho con tại nhà mà không được bác sĩ khám. Nếu bệnh không được điều trị phù hợp, dịch mủ từ tai giữa có thể lan sang các cấu trúc giải phẫu lân cận và dẫn đến các biến chứng như thủng màng nhĩ, viêm xương chũm, viêm mê đạo, viêm màng não, áp xe não...
Khi tai con chảy dịch mủ, bạn cần vệ sinh tai sạch sẽ bằng cách dùng tăm bông thấm dịch nhẹ nhàng. Không ngoáy và đưa tăm bông vào sâu vì dễ đau và tổn thương tai trẻ.
Viêm tai giữa thường do viêm mũi gây ra, bạn nên dùng nước muối sinh lý để nhỏ hoặc xịt mũi để vệ sinh mũi cho trẻ. Bạn nên lau miệng cho trẻ nhỏ sau ăn, cho trẻ lớn súc miệng nước muối để làm sạch miệng họng. Hoạt động nhai nuốt làm đau vùng tai nên phụ huynh cần hạn chế thức ăn cứng, tăng cường món mềm như cháo, súp, bánh mềm để trẻ dễ ăn hơn.
Bạn nên tiêm ngừa đầy đủ cho con, hướng dẫn rửa tay thường xuyên, đúng cách góp phần ngăn chặn sự lây lan của các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, từ đó hạn chế nhiễm trùng tai. Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động vì có thể tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
ThS.BSCKI Nguyễn Thị Hương
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |