Theo Verywell Health, viêm tai giữa (nhiễm trùng ở tai giữa) phổ biến nhất ở trẻ em với hơn 80% trường hợp bị nhiễm trùng tai khi trước 3 tuổi. Viêm tai giữa cấp tính là một bệnh nhiễm trùng tai diễn ra nhanh chóng, thường do virus cảm lạnh và virus cúm, nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Viêm tai giữa đôi khi là do dị ứng như phấn cây, bụi và lông thú cưng.
Mối liên hệ giữa virus, vi khuẩn, dị ứng và nhiễm trùng tai có thể gây ra tắc nghẽn và viêm nhiễm kéo dài từ mũi đến vòi trứng. Các ống này nối phía sau cổ họng với tai giữa, có nhiệm vụ giữ áp suất và chất lỏng thường tiết ra tích tụ trong tai. Khi các ống eustachian sưng lên, tai ít thông khí và tích tụ nhiều chất lỏng vi trùng hơn dẫn đến viêm tai giữa phát triển.
Viêm tai giữa không lây nhưng các virus gây ra cảm lạnh, viêm họng hay nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây ra viêm tai giữa lại lây lan khá nhanh chóng. Ví dụ, các virus như cảm lạnh thông thường, virus gây cúm sẽ lây lan khi bạn hít phải những giọt nước có chứa virus từ người mắc bệnh thông qua ho hoặc hắt hơi. Bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào bề mặt mà những giọt bắn này đã rơi xuống. Trong số những người mắc bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh hay viêm họng... có một số sẽ bị viêm tai giữa. Do vậy, có thể nói viêm tai giữa không lây trực tiếp nhưng có thể lây gián tiếp thông qua các bệnh viêm họng, cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai hơn người lớn vì ống tai của trẻ ngắn hơn và ít dốc hơn nên dễ bị tắc. Bên cạnh đó, do hệ thống miễn dịch của trẻ non nớt nên có xu hướng bị cảm lạnh và mắc các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây ra viêm tai giữa nhiều hơn.
Một số người có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn những người khác như trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nhất là trẻ 6-12 tháng tuổi, trẻ em đi nhà trẻ, người bị dị ứng, người tiếp xúc với khói thuốc lá, người có tiền sử gia đình bị viêm tai giữa..
Viêm tai giữa nếu lặp đi lặp lại ở trẻ em có thể dẫn đến mất thính giác và chậm nói. Do vậy, khi trẻ có các triệu chứng như đau tai, dịch chảy ra từ tai, thính giác giảm, viêm họng, sốt... phụ huynh nên cho trẻ đi khám để đánh giá mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và có hướng điều trị phù hợp.
Để ngăn ngừa viêm tai giữa, bạn cần ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng gây ra chúng. Các biện pháp có thể thực hiện như hạn chế tiếp xúc với người bị ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên; tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng; tiêm vaccine chống lại virus, vi khuẩn như cúm, Covid-19 và viêm phổi; không hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc.
Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ trong ít nhất sáu tháng vì sữa mẹ có các kháng thể có thể ngăn ngừa nhiễm trùng, không cho trẻ nằm khi bú.
Anh Chi (Theo Verywell Health)