ThS.BS Nguyễn Thị Thục Như (khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, không có cách chữa khỏi bệnh viêm mũi dị ứng, bởi vì dị ứng là do cơ địa của mỗi người. Nếu trong môi trường sống của bạn tồn tại dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) và khi nào bạn hít phải các tác nhân dị ứng này, cơ thể sẽ xảy ra các phản ứng quá mức và triệu chứng viêm mũi dị ứng sẽ xuất hiện.
Các tác nhân gây dị ứng bao gồm: các chất gây dị ứng trong nhà (bụi, lông chó mèo, lông vải từ quần áo, chăn mền, nước hoa, mỹ phẩm, mùi thức ăn, nấm mốc...); chất gây dị ứng trong không khí (phấn hoa, lông sâu, bướm, khói, bụi, mùi rác thải...); chất gây dị ứng nghề nghiệp (bụi phấn ở trường học, hóa chất trong các nhà máy, sợi vải trong các xưởng may, bụi xi măng trong các nhà máy vật liệu)...
Tuy nhiên, một số lựa chọn điều trị có thể làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Các biện pháp phổ biến bao gồm thuốc co mạch tại chỗ, thuốc kháng histamine, thuốc xịt mũi steroid tại chỗ hoặc dung dịch xịt rửa mũi, tránh tiếp xúc dị nguyên... Người bệnh cần thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp, không tự ý sử dụng thuốc có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
Câu 2: Khi nào có triệu chứng viêm mũi dị ứng mới cần dùng thuốc?