Khối u của anh Hoàng xuất hiện ba năm trước, kích thước nhỏ song gần đây lớn hơn, không đau. Theo cách chữa dân gian, mỗi ngày anh giã các loại lá cây với muối đắp lên u, dùng dây vải buộc lại trong một tiếng rồi tháo ra, rửa sạch. Sau một tuần, vai đỏ tấy, sưng, anh đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, khám, siêu âm cho thấy u mỡ lành tính, không xâm lấn mạch máu hay chèn ép dây thần kinh xung quanh.
Ngày 12/12, BS.CKI Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, cho biết do anh Hoàng đắp lá cây nên vùng da bị viêm, nhiễm trùng, chỉ định phẫu thuật cắt u trong. Êkíp xử lý loại bỏ mô hoại tử, làm sạch mô xung quanh và khâu thẩm mỹ. Tái khám sau một tuần, vết thương của anh Hoàng khô ráo.
U mỡ (bướu mỡ) là khối mô hình bầu dục hoặc hình tròn nằm dưới da. Loại u này chủ yếu là mỡ, dễ di chuyển khi chạm vào, thường không gây đau. U mỡ có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, phổ biến ở lưng, cánh tay, vai, thân và cổ. U mỡ phát triển chậm, phần lớn lành tính và không phải yếu tố nguy cơ gây ung thư. Trường hợp u lớn, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, người bệnh cần được phẫu thuật cắt bỏ.
Theo bác sĩ Vinh, một loại ung thư ít gặp gọi là liposarcoma (ung thư mô mỡ) có nhiều triệu chứng giống khối u mỡ. Người có u bất thường trên cơ thể nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Không tự ý uống thuốc hay đắp lá cây vì có thể gây viêm da, nhiễm trùng. Trường hợp u ác tính có thể bỏ lỡ điều trị ở giai đoạn sớm, khiến bệnh nặng hơn.
U mỡ do nhiều nguyên nhân như di truyền, bệnh Dercum (hội chứng adiposis dolorosa hoặc hội chứng Anders), hội chứng Gardner (một dạng của bệnh đa polyp gia đình), rối loạn tiêu hoá kéo dài, đa polyp (u) dạ dày, đa polyp tá tràng, tụy, ruột non...
Để chẩn đoán u mỡ, bác sĩ chỉ định người bệnh siêu âm, chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT)... Phẫu thuật là phương pháp điều trị các khối u lành tính và ác tính phổ biến.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |