Ung thư bàng quang là bệnh ung thư bắt đầu trong các tế bào của bàng quang - một cơ quan cơ rỗng ở khung chậu dưới có chức năng thu thập nước tiểu. Cả nam và nữ giới đều có thể mắc ung thư bàng quang.
Khi nói đến bệnh ung thư hệ sinh dục ở nam giới, mọi người thường nghĩ đến ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, ung thư bàng quang ở nam giới lại là loại bệnh ác tính gây tử vong cho nam giới đứng hàng thứ 4 trên toàn cầu theo thống kê của Globocan 2021.
Theo Hiệp hội ung thư Mỹ, ung thư bàng quang phổ biến ở nam giới gấp 3-4 lần so với nữ giới ở quốc gia này. Vào năm 2021, có khoảng 64.280 trường hợp nam giới Mỹ mắc mới ung thư bàng quang trong khi ở nữ giới chỉ có khoảng 19.450.
Theo Very Well Health (Mỹ), nam giới mắc ung thư bàng quang nhiều hơn nữ là do tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn phụ nữ. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra ung thư bàng quang. Chất gây ung thư có trong thuốc lá được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Việc tiếp xúc lâu dài với các hợp chất này có thể tăng gấp đôi nguy cơ ung thư bàng quang so với những người không hút thuốc.
Xu hướng nam giới hút thuốc tăng trong 10 năm trở lại đây cũng chính là lý do tỷ lệ nam giới mắc ung thư tăng nhanh. Đặc thù công việc của nam giới phải tiếp xúc nhiều loại hóa chất công nghiệp. Việc sử dụng kéo dài hóa trị liệu cytoxan cũng liên quan đến nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Các yếu tố khác như sự khác biệt về nội tiết tố như nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh của nam giới.
Nam giới thường xuyên kiểm tra các vấn đề về đường tiết niệu khi có nghi ngờ, chẳng hạn như kiểm tra tầm soát ung thư tinh hoàn, nhiễm trùng đường tiết niệu... Sự cẩn thận này cũng là lý do chênh lệch số lượng mắc ung thư bàng quang giữa nam và nữ giới.
Cả ở nam và nữ, khi ung thư bàng quang bước vào giai đoạn muộn các triệu chứng ung thư đều khá giống nhau ở cả 2 giới. Các triệu chứng điển hình như đi tiểu ra máu, thay đổi màu sắc của nước tiểu. Những thay đổi khi đi tiểu khác bao gồm đi tiểu thường xuyên hơn, cảm thấy muốn đi tiểu ngay, ngay cả khi bàng quang chưa đầy, cảm giác đau rát khi đi tiểu. Ung thư bàng quang tiến triển nặng còn có thể gây sốt, đổ mồ hôi, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc chán ăn và mệt mỏi.
Ung thư bàng quang ở nam và nữ đều có sự phân loại giống nhau, bao gồm:
Ung thư biểu mô biểu mô: ung thư biểu mô biểu mô cho đến nay là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất, chiếm hơn 90% tổng số các trường hợp. Ung thư biểu mô bắt đầu khi các tế bào biểu mô lót bàng quang bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Ung thư biểu mô không chuyển tiếp: các loại ung thư bàng quang ít phổ biến hơn bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào nhỏ.
Triệu chứng của ung thư bàng quang giống nhau và giống với nhiều bệnh lý tiết niệu khác như sỏi thận, nhiễm trùng tiểu. Chẩn đoán ung thư bàng quang thường phức tạp. Các chẩn đoán chủ yếu dựa vào việc loại trừ tất cả các nguyên nhân khác trước khi bắt đầu phương pháp xâm lấn.
Ngay cả khi điều trị thành công, ung thư bàng quang vẫn có nguy cơ tái phát cao. Để giảm nguy cơ tái phát ung thư bàng quang, người bệnh nên cân nhắc bỏ thuốc lá vì bỏ thuốc lá được chứng minh giảm nguy cơ tái phát ung thư bàng quang đến 10 lần. Bạn nên hạn chế ăn chất béo, tránh ăn thịt đỏ đã qua chế biến để giảm nguy cơ mắc cũng như ngăn ngừa nguy cơ tái phát ung thư bàng quang. Bạn nên chọn ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cũng giúp giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Các thực phẩm giàu chất oxy hóa gồm nam việt quất, bông cải xanh, cà chua, cà rốt, bắp cải đỏ, vitamin E...
Anh Chi (Theo Very Well Health)