Giãn tĩnh mạch thừng tinh được cho là nguyên nhân chiếm khoảng gần 1/3 các ca vô sinh nam trên thế giới. TTƯT.TS.BS Nguyễn Thế Trường, Phó trưởng khoa Nam học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, số bệnh nhân nam vô sinh tới khám tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội phát hiện có giãn tĩnh mạch thừng tinh lên tới 40%.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh (GTMTT) là tình trạng giãn của đám rối các tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh, nằm phía trên tinh hoàn. Giãn tĩnh mạch thừng tinh làm suy giảm chức năng tinh hoàn, ức chế khả năng sinh tinh. Trong phần lớn các trường hợp, GTMTT không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, người bệnh thường phát hiện bệnh khi có cảm giác khó chịu, đau, nặng tức ở bìu, nhìn sờ thấy tĩnh mạch giãn nở ở bìu, teo tinh hoàn, hiếm muộn...
Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có 4 phương pháp: Mổ mở kinh điển, phẫu thuật nội soi (tìm, bộc lộ và cột tĩnh mạch tinh giãn), can thiệp mạch qua da (dùng thuốc cản quang xác định cấu trúc giải phẫu và bơm thuốc gây xơ hóa thuyên tắc tĩnh mạch giãn) và mổ vi phẫu thắt giãn tĩnh mạch thừng tinh (mổ hở với sự kết hợp của kính hiển vi phóng đại hình ảnh).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Trường, tuy các phương pháp này có tỷ lệ thành công tương đương nhau, mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng vi phẫu đang được cho là nhiều ưu điểm vượt trội như:
Không bỏ sót những tĩnh mạch giãn nhẹ
Các tĩnh mạch thừng tinh rất nhỏ. Với tĩnh mạch khỏe mạnh, không bị giãn, kích thước chỉ dưới 2mm, thậm chí có những tĩnh mạch nhỏ hơn. Nếu không vi phẫu chỉ tắc được những tĩnh mạch đã giãn và bỏ qua những tĩnh mạch giãn ở mức độ nhẹ do không phát hiện được.
Đặc điểm của mạng lưới này gọi là đám rối tĩnh mạch hình dây leo, vì vậy nếu chỉ tắc những tĩnh mạch bị giãn lớn, thì những tĩnh mạch giãn nhẹ sẽ phình ra và lại tiếp tục gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nếu không sử dụng phương pháp mổ bằng vi phẫu, hiện tượng tái phát sau phẫu thuật rất cao.
Tránh nguy cơ tái phát
Sự hỗ trợ của kính hiển vi sẽ tắc được những tĩnh mạch có nguy cơ bị giãn triệt để hơn. Có kính hiển vi phóng đại kích thước nên bác sĩ có thể phân biệt được chính xác đâu là động mạch, đâu là tĩnh mạch. Vì động mạch có thể xuống dưới tinh hoàn, nếu tắc động mạch tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến cung cấp máu, tưới máu tinh hoàn, ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản.
Không thắt nhầm hệ bạch huyết gây tràn dịch tinh mạc
Nếu không sử dụng vi phẫu, bác sĩ có thể thắt nhầm hệ bạch huyết. Khi hệ bạch huyết không lưu thông được sẽ tạo thành túi dịch ở bìu. Lúc này sau khi mổ xong, tinh hoàn sẽ lớn ra vì hệ bạch huyết bị thắt và dịch bị ứ trệ ở bên dưới, tình trạng tràn dịch tinh mạc sẽ xảy ra. Tình trạng này có thể gặp khi mổ hở không vi phẫu vì bác sĩ khó nhận biết được đâu là bạch huyết, đâu là tĩnh mạch. Nếu có sự hỗ trợ của vi phẫu, bác sĩ sẽ quan sát rõ đâu là tĩnh mạch, đâu là động mạch và bạch mạch và hạn chế tối thiểu các biến chứng như thắt nhầm động mạch tinh hoàn hay tràn dịch tinh mạc.
Nhờ những ưu điểm trên, phương pháp vi phẫu tĩnh mạch thừng tinh là phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay, ít xâm lấn, thời gian phục hồi nhanh, ít gây biến chứng, giảm tỷ lệ tái phát, hiệu quả trong việc cải thiện khả năng sinh sản nam giới. Sau phẫu thuật tỷ lệ cải thiện các thông số tinh dịch đồ đạt 60 - 70% và tỷ lệ có thai tự nhiên lên tới 50%.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thế Trường cũng lưu ý bệnh nhân khi lựa chọn mổvi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh cần chọn thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín, có máy móc kỹ thuật hiện đại và đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao.
Ngoài ra, mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ nên áp dụng cho các trường hợp vô sinh nam đơn thuần, có giãn tĩnh mạch thừng tinh kèm với bất thường về tinh dịch đồ. Không nên áp dụng mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh cho các trường hợp có các nguyên nhân vô sinh nữ đi kèm hoặc đã có chỉ định kỹ thuật hỗ trợ sinh sản do nguyên nhân vô sinh nữ. Việc tư vấn và loại trừ các nguyên nhân di truyền của vô sinh nam cũng cần được quan tâm trước khi phẫu thuật.
Thanh Ba