Theo ThS.BS Lê Đăng Khoa - Trưởng bộ phận Nam học, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM, giãn tĩnh mạch thừng tinh là sự giãn, xoắn bất thường của tĩnh mạch tinh hoàn trong bó thừng tinh. Hiện tượng này thường xuất hiện ở tinh hoàn bên trái, chiếm tỉ lệ 90%. Khoảng 10% còn lại là các trường hợp mắc cả hai bên.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh hiếm khi phát hiện trước 10 tuổi và là nguyên nhân gây vô sinh với tỷ lệ lên đến 40%. Trong đó, vô sinh nguyên phát có 35% trường hợp và thứ phát chiếm khoảng 75 - 81% trường hợp. Mặc dù là nguyên nhân gây vô sinh nhưng một số người bệnh vẫn có thể có con hoặc tinh dịch đồ bình thường.
Dấu hiệu
Bác sĩ Lê Đăng Khoa cho biết, phần lớn các trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ được phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe định kỳ. Cũng theo bác sĩ chia sẻ, nam giới nên đi khám khi có cảm giác khó chịu, đau, nặng tức ở bìu, nhìn sờ thấy tĩnh mạch giãn nở ở bìu, teo tinh hoàn, hiếm muộn... Bởi khi thăm khám, thể tích, mật độ tinh hoàn và các bệnh lý kèm theo (u bụng, bướu thận, bướu sau phúc mạc...) có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị.
Khám lâm sàng: Hiện nay, các phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ khám lâm sàng được sử dụng phổ biến gồm có: siêu âm Doppler bìu, phân tích tinh dịch đồ, định lượng nội tiết sinh dục. Siêu âm có độ nhạy 85-100%, đặc hiệu 55%. Chúng chỉ giúp khẳng định giãn tĩnh mạch thừng tinh khi nghi ngờ trên lâm sàng mà không giúp ích trong trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh dưới lâm sàng hoặc khi bệnh đã chẩn đoán xác định.
Nghiệm pháp Valsalva: Đối với tĩnh mạch có đường kính trên 3.5mm và có dòng máu tĩnh mạch phụt ngược sau khi làm nghiệm pháp Valsalva thì coi như chẩn đoán xác định giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Tinh dịch đồ: giúp đánh giá gián tiếp ảnh hưởng của giãn tĩnh mạch thừng tinh đối với chức năng tinh hoàn. Ở nam giới, bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, 90% các mẫu tinh dịch có tình trạng giảm di động và 65% có giảm mật độ tinh trùng. Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng tới hình thái học của tinh trùng với hình ảnh tinh trùng đầu dài và đoạn giãn rộng do sự hiện diện của tế bào chất.
Xét nghiệm nội tiết: bao gồm FSH, LH, testosterone tự do và toàn phần. FSH phản ánh khả năng sinh tinh cũng như chức năng của tế bào Sertoli. Khi FSH lớn hơn 14 mIU/ml thì khả năng sinh tinh rất kém (Turek, 1995). Nhiều trường hợp ghi nhận sự giảm nồng độ testosterone trên bệnh nhân vô sinh nam do giãn tĩnh mạch thừng tinh và tăng nồng độ sau mổ do có sự cải thiện chức năng tế bào Leydig.
Phương pháp điều trị
Theo bác sĩ Lê Đăng Khoa, các kỹ thuật điều trị vô sinh ở Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển rất mạnh mẽ bao gồm các kỹ thuật điều trị vô sinh truyền thống và hỗ trợ sinh sản. Dưới đây là các phương pháp phổ biến nhất trong điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh:
Phẫu thuật cột giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đây là phương pháp truyền thống. Nhiều phương pháp đã được thực hiện (ngả bìu, ngả bẹn, dưới bẹn...). Trong đó, phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh ngả sau phúc mạc (mô tả bởi Ivanissevitch và bổ sung bởi Palomo) và phẫu thuật qua ngả bẹn bìu (Bernardi) được thực hiện phổ biến nhất.
Thuyên tắc tĩnh mạch tinh giãn qua da xuôi dòng hay ngược dòng: Đây là phương pháp dùng thuốc cản quang để xác định cấu trúc giải phẫu và thấy được hình ảnh trào ngược dưới sự quan sát của màn hình tăng sáng. Sau đó, các bác sĩ sẽ bơm chất/thuốc gây xơ hoá (Sodium morrhuate, N-butyl cyanoacrylate, polidocanol...) làm thuyên tắc các tĩnh mạch tinh giãn.
Phương pháp mổ nội soi: Cùng với đà phát triển của phẫu thuật nội soi, phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng được áp dụng. Phương pháp này dễ dàng tìm thấy, bộc lộ và cột tĩnh mạch tinh giãn nơi tĩnh mạch đổ vào tĩnh mạch thận trái hay tĩnh mạch chủ, tỷ lệ biến chứng thấp hơn, thời gian phẫu thuật, hồi phục lâu hơn và lượng thuốc gây mê ít hơn.
Phương pháp phẫu thuật vi phẫu: Đây là kỹ thuật mổ hở nhưng nhờ có sự kết hợp của kính hiển vi nên có khả năng phóng đại hình ảnh tĩnh mạch, giúp bác sĩ có thể nhận biết rõ hơn trong quá trình thực hiện. Vì thế, phương pháp này có thể tránh tình trạng làm tắc động mạch tinh hoàn và các biến chứng như tràn dịch màng tinh hoàn, chảy máu, nhiễm trùng vết mổ.
Cũng theo bác sĩ Lê Đăng Khoa, mổ vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh được xem là biện pháp điều trị hiệu quả, ít có sự xâm lấn vào cơ thể người bệnh. Đặc biệt hơn, thời gian phục hồi sau mổ cũng nhanh hơn so với những phương pháp khác.
Huyền My