Tiến sĩ Rachel Hurst và các cộng sự thuộc Đại học East Anglia (Anh) đã thu thập mẫu nước tiểu từ 318 người ở Anh đang được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hoặc tìm thấy máu trong nước tiểu của họ. Bệnh nhân được theo dõi sức khỏe trong tối đa 6 năm sau khi lấy mẫu. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu nước tiểu để tìm các loại vi khuẩn và giải trình tự DNA.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra sinh thiết tuyến tiền liệt từ 204 bệnh nhân. Họ theo dõi bệnh nhân trong trung bình 3,5 năm để phát hiện các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt tích cực, gồm di căn ung thư tuyến tiền liệt và thất bại sinh hóa kháng nguyên đặc hiệu (PSA) sau khi điều trị. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa một số vi khuẩn trong cặn nước tiểu và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Kết quả công bố trên tạp chí Tiết niệu, Ung thư học châu Âu (4/2022), có một nhóm gồm 5 chi vi khuẩn có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt và tiến triển nhanh hơn thành ung thư, bao gồm: Fenollaria, Peptoniphilus, Anaerococcus, Porphyromonas và Fusobacterium.
Tiến sĩ Hurst cho biết thêm, những nguyên nhân ban đầu này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt do làm thay đổi quá trình sản xuất androstenedione, là tiền chất của testosterone. Ngoài ra, một số mầm bệnh đã được xác định cũng có thể ảnh hưởng đến tế bào, làm thay đổi sự chuyển hóa và tăng trưởng của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Theo Tiến sĩ Jenifer Linehan, Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John (Mỹ), có hai giả thuyết về mối liên hệ giữa 5 vi khuẩn này và ung thư tuyến tiền liệt. Một là vi khuẩn gây viêm khiến tế bào tiếp xúc với các gốc tự do có thể làm thay đổi và đột biến DNA trong thời gian dài. Hai là một số vi khuẩn tiết ra bộ độc tố có thể gây ra đột biến và sự phát triển không kiểm soát của tế bào ung thư.
Tiến sĩ William P. Parker, khoa Tiết niệu, Trung tâm Y tế Đại học Kansas (Mỹ) cũng đưa ra hai khả năng về mối liên hệ trên. Vi khuẩn tạo ra một vi môi trường thích hợp cho quá trình sinh ung thư hoặc sự hiện diện của ung thư tạo ra một vi môi trường thích hợp cho những vi sinh vật này phát triển.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Parker, vì kích thước mẫu nghiên cứu nhỏ và từ một vị trí địa lý cụ thể (dữ liệu đến từ nam giới ở Anh) nên kết quả có thể không áp dụng rộng rãi. Về mặt địa lý, tải lượng vi khuẩn ở người bệnh có thể khác nhau giữa các địa phương.
Các nhà khoa học cho rằng, phát hiện này có tiềm năng phát triển thành một phương pháp chẩn đoán mới trong ung thư tuyến tiền liệt. Hệ vi sinh vật sẽ được coi là dấu ấn sinh học gián tiếp. Hiện tại, các dấu ấn sinh học có sẵn là đánh giá trực tiếp dựa trên máu hoặc nước tiểu đối với các sản phẩm phụ của tế bào ung thư tuyến tiền liệt, ví dụ như mức PSA tăng cao.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)