Từ tháng 7/2023, chị Hoài thường mệt, sụt 5 kg trong một tháng, được chẩn đoán thiếu máu và điều trị.
Hai tháng sau, chị sốt âm ỉ, uống thuốc hạ sốt hết, vài ngày tái sốt một lần. Bác sĩ khám phát hiện bệnh nhân hở van hai lá nặng, nghi ngờ do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (nhiễm trùng màng trong của tim do vi khuẩn gây ra). Chị Hoài nhập viện điều trị 8 tuần, tiêm thuốc kháng sinh hàng ngày. Khi xuất viện, bác sĩ khuyên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để phẫu thuật van tim.
Ngày 27/1, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Hoài bị hở van hai lá do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, chỉ định khám nha khoa. Kết quả bệnh nhân bị sâu răng nặng, có 4 chiếc răng cần nhổ ngay, các răng khác cần trám.
Bác sĩ Thủy giải thích nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn phần lớn do vi khuẩn như nhiễm liên cầu khuẩn gram dương, tụ cầu và cầu khuẩn; ngoài ra còn có ký sinh ở vùng hầu họng, nấm... Vi khuẩn theo đường máu đi đến nội mạc tim, thành mạch, các van tim, theo thời gian lá van tạo thành lỗ thủng. Trường hợp của chị Hoài, lỗ thủng trên van hai lá kích thước 3,5 mm, gây hở van, tăng áp phổi, giãn buồng tim.
ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, cho biết may mắn vi khuẩn mới "ăn" một phần nhỏ lá van gây thủng van, có thể bảo tồn được. Sau khi bệnh nhân được điều trị răng miệng, ê kíp phẫu thuật sửa van hai lá giúp bảo tồn van tim.
Trong ba giờ, ê kíp khâu lỗ thủng trên van hai lá. Nhờ phương pháp gây mê vô cảm kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống, chị Hoài ít đau, hạn chế dùng morphin sau mổ. Chị hồi phục nhanh, xuất viện sau một tuần.
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có tỷ lệ gặp khoảng 3-10/100.000 người, theo bác sĩ Thủy. Ở các nước như Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn do vấn đề vệ sinh răng miệng. Bệnh không điều trị kịp thời gây ra các biến chứng hở van cấp tính, giãn buồng tim, rung nhĩ, áp xe trong tim. Một số bệnh nhân đến bệnh viện phát hiện viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi đột quỵ não. Các mảnh sùi lớn di chuyển gây tắc mạch máu não, triệu chứng gồm nói khó, nói đớ, liệt, yếu hoặc tê một bên người.
Ngoài răng miệng, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể xảy ra khi người bệnh bị nhiễm trùng ở một bộ phận khác của cơ thể như khớp, da. Vi khuẩn từ đó di chuyển theo dòng máu, đi đến các cấu trúc của tim và gây nhiễm trùng tại tim. Sở dĩ vi trùng tấn công nội mạc tim và mạch máu là do người bệnh có sẵn bất thường ở tim như bệnh tim bẩm sinh, hẹp hở van tim hoặc từng can thiệp sửa, thay van tim.
Bác sĩ Thủy khuyến cáo người bị sâu răng nên đi khám để nha sĩ xử lý, tránh viêm nha chu, sâu răng ảnh hưởng tủy xương... Bệnh nhân có vấn đề ở van tim, tim bẩm sinh cần khám răng định kỳ, sử dụng kháng sinh phòng ngừa trước khi nhổ răng.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |