Sau ba tuần điều trị, bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới chỉ định cắt bàn chân trái để tránh nhiễm trùng lan rộng lên cẳng chân. Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám với hy vọng giữ được bàn chân.
Ngày 7/3, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bàn chân trái của ông Tùng bị rộp da, lở loét, xuất hiện nhiều mô hoại tử, thâm tím. Kết quả cấy dịch vết thương ghi nhận nhiễm vi khuẩn Acinetobacter đa kháng thuốc. Acinetobacter là nhóm sinh vật gram âm có thể gây nhiễm trùng bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể người. Vi khuẩn này là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng ở bệnh nhân nằm viện.
Ông Tùng có tiền sử xơ gan, rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu. Khi nhập viện, chỉ số tiểu cầu của ông là 18.000/μl máu, trong khi bình thường là 150.000-400.000 tiểu cầu/μl máu. Theo bác sĩ Tuyền, số lượng tiểu cầu không đủ dẫn đến khó cầm máu.
Bác sĩ giải thích rằng ông Tùng không bị tiểu đường nhưng có vết thương nhiễm trùng nặng, nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc kèm theo tình trạng tiểu cầu thấp, sức đề kháng yếu làm vết thương khó lành. Vi khuẩn Acinetobacter kháng với rất nhiều loại kháng sinh nên khó điều trị.
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định cắt lọc vết thương song song với truyền kháng sinh và uống thuốc để nâng dần số lượng tiểu cầu cho người bệnh. Mỗi ngày, bệnh nhân được rửa vết thương, cắt lọc các mô hoại tử, bỏ hết các lớp da bị vi khuẩn tấn công và đặt máy hút áp lực âm giúp tăng sinh mô hạt cho vết thương nhanh lành. Sau thời gian điều trị, vết thương bàn chân của ông Tùng cải thiện dần, số lượng tiểu cầu cũng tăng gần với mức bình thường.
Vết thương sau khi cắt lọc, chăm sóc đã lên mô hạt tốt, nhưng phần da bao phủ phía trên lại mất đi khá nhiều. Bệnh nhân được ghép da tự thân. Bác sĩ lấy phần da từ đùi của chính bệnh nhân để ghép vào bàn chân.
Vết thương sau ghép da dính khá tốt. Ông Tùng giữ lại được bàn chân, tình trạng ổn định và xuất viện.
Để phòng nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, bác sĩ Tuyền khuyên người bệnh không tự mua thuốc kháng sinh uống mà cần dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, uống đủ ngày và đủ liều theo kê toa. Người có vết thương nhiễm trùng cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và điều trị kịp thời.
Đinh Tiên
Độc giả gửi câu hỏi về da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |