Qua 5 ngày điều trị tại chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, môi chị Ngọc Hương (40 tuổi, quận Tân Phú) hết sưng, nứt nẻ, đau, tê. Chị cử động môi dễ dàng, ăn uống thoải mái hơn.
Trước đó, thấy quảng cáo trên mạng về dịch vụ xăm môi làm đẹp, chị Hương đăng ký với mong muốn cải thiện tình trạng thâm môi. "Nhân viên spa khen máu tôi lành tính nên xăm dễ, không đau, lên màu đẹp", chị kể lại .
Sau xăm môi, chị tuân thủ theo lời dặn của nhân viên spa phải kiêng cữ ăn uống tránh để lại sẹo và vệ sinh môi đúng cách. 3 ngày sau, chị soi gương thấy môi nổi nhiều mụn nước nhỏ li ti. Chị tự trấn an đây là dấu hiệu bình thường khi xăm môi như lời dặn của họ. Chưa an tâm, chị gọi điện thoại đến cơ sở spa cũng được nhân viên tư vấn môi sẽ sớm hết sưng.
Đến ngày thứ tư, mụn nước nổi nhiều và to hơn, kèm sưng, đau nhức, chị liền đến spa. Tại đây, nhân viên nhìn vết thương và gợi ý chị mua thuốc bôi và uống nhưng không dặn mua thuốc gì. Chị được nhân viên tiệm thuốc tư vấn uống kháng sinh. Sau 2 ngày uống thuốc, môi chị bớt sưng nhưng khô, nứt từng đường. Vết nứt to sâu, luôn có cảm giác tê như kim châm, khó khăn khi ăn uống và rửa mặt.
Đến khám chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chị Hương được chẩn đoán nhiễm trùng do xăm môi. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng mưng mủ, nhiễm trùng nặng, để lại sẹo và biến dạng môi.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích cho bệnh nhân thoa kem dưỡng ẩm và thuốc chống viêm giúp môi mềm, tránh nứt sâu hơn. Đồng thời, người bệnh được kê thuốc bôi làm mềm da và uống chống nhiễm trùng. Chị Hương được hướng dẫn các bước chăm sóc môi ở nhà đúng cách, tránh sưng viêm, tái nhiễm trùng.
Bác sĩ Bích cho biết xăm môi là kỹ thuật làm đẹp phổ biến được nhiều chị em ưa chuộng, tuy nhiên cần đến các cơ sở uy tín và được cấp phép thực hiện. Một cơ sở làm đẹp chuyên nghiệp không chỉ có kỹ thuật viên, bác sĩ giỏi tay nghề, chuyên môn cao mà còn đảm bảo dụng cụ (kìm, kéo, gạc...), phòng làm đẹp được vô trùng. Đây là điều kiện bắt buộc để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Xăm môi không đúng kỹ thuật, dụng cụ không được vô trùng sẽ gây các biến chứng như: sưng tấy, chảy máu, nổi mụn nước, áp xe (tạo mủ), để lại sẹo vĩnh viễn... Màu mực xăm cũng có thế gây dị ứng, thậm chí sốc phản vệ với người có cơ địa nhạy cảm. Nguy hiểm hơn trong quá trình phun xăm nếu không đảm bảo vô trùng có thể nhiễm các bệnh lây truyền qua máu và tiết dịch. Ví dụ, có trường hợp, người bệnh nhiễm trùng khi làm đẹp do nhân viên y tế gây nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, trao dụng cụ...
Bác sĩ Bích khuyến cáo, sau khi xăm môi, chị em cần theo dõi kỹ. Nếu thấy da sưng, tấy đỏ, đau nhức, nổi mụn cần gặp bác sĩ da liễu, để tránh các biến chứng do phun xăm.
Đinh Tiên