Khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020, tôi không có quá nhiều bất ngờ khi điểm trung bình môn Tiếng Anh tiếp tục "đội sổ" với mức 4,58 điểm. Điều này phản ánh chất lượng dạy và học tiếng Anh ở cấp phổ thông (từ cấp I đến cấp III) chưa được cải thiện.
Giờ đây, nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của ngoại ngữ ngày càng được cải thiện khi việc thông thạo một ngoại ngữ dù là Anh, Trung, Nhật, Hàn... đã trở thành một trang bị thiết yếu của các cá nhân khi tham gia thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Nghịch lý đáng buồn ở chỗ, sau 12 năm phổ thông, công sức dạy và học tiếng Anh trên ghế nhà trường lại tạo ra một thị trường giáo dục dạy tiếng Anh "cho người mất gốc" khi các học sinh, sinh viên chợt nhận ra động lực và thực lực của họ khi học môn ngoại ngữ này.
Theo ý kiến cá nhân tôi, sau đây là một vài trong muôn vàn nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên:
1. Xây lâu đài trên cát
Muốn có thành quả tốt đẹp phải dựa trên nền tảng bền vững, nhưng việc dạy và học Tiếng Anh ở các cấp phổ thông đang đi ngược lại triết lý này. Điều đáng nói là càng ở các cấp học nhỏ tuổi, việc dạy và học Tiếng Anh trong nhà trường chất lượng càng thấp. Điểm mấu chốt là đãi ngộ với giáo viên ở các cấp học, điển hình là Tiểu học công lập là cực kỳ thấp. Đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, thời lượng làm việc trên lớp dài không thể thu hút lượng lớn nhân lực chất lượng cao tương ứng với quy mô của cấp học này. Tất nhiên, vẫn có nhiều thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với học sinh bám trụ ở các cấp học cáp thấp, nhưng thống kê tỷ lệ chắc chắn không đáp ứng nhu cầu đề ra.
Giáo dục phổ thông mang tính tiếp nối liên hoàn. Một khi mắt xích giáo dục ban đầu bị đứt gãy sẽ làm hiệu suất hệ thống sụt giảm trầm trọng. Nếu ví việc dạy Tiếng Anh là một dây chuyền sản xuất thì khâu cuối là THPT sẽ tiếp nhận số lượng lớn các bán thành phẩm với rất nhiều lỗi mà không thể vừa sửa chữa vừa thêm các nội dung mới như đã định. Lấy ví dụ một học sinh mới vào lớp 10 với trình độ kiến thức Tiếng Anh chỉ ở lớp sáu, nhưng được kỳ vọng sẽ hấp thụ được toàn bộ nội dung của bậc THPT trong năm học mới. Chuyện đó hoàn toàn là ngoài tầm với của các thầy cô và nhà trường.
>> Nỗi lo 63% thí sinh dưới điểm 5 Tiếng Anh
Đó là phần nền cát. Còn phần lâu đài thì sao? Nhiều người có thể phản biện rằng, giữa nhưng học sinh phổ thông vẫn có những em giỏi Tiếng Anh, ở tỉnh thành nào cũng có trường THPT chuyên và có lớp chuyên Tiếng Anh. Các bạn học sinh trong các lớp này có giỏi không? Câu trả lời là "có". Thậm chí rất giỏi là đằng khác. Nhưng thật sự đấy là phần đỉnh của lâu đài trên cát, phần được ưu tiên tập trung nguồn lực để tạo ra các "siêu vận động viên" chuyên tham gia thi đấu để giành giật các thể loại giải thưởng quốc tế. Mô hình ấy có hiệu quả hay không còn tùy vào góc nhìn của mỗi người. Với các bạn tiếp xúc gần với phần đỉnh của lâu đài trên cát này sẽ thấy nó vẫn ổn. Nhưng bình diện chung, đây là một vấn đề còn phải bàn luận.
2. Phân hóa trong "thị trường’’ giáo dục
Dùng từ "thị trường" với giáo dục ở Việt Nam là một lựa chọn liều lĩnh bởi giáo dục cung cấp loại hình dịch vụ đặc biệt. Ngoài yếu tố giá trị kinh tế, giáo dục có giá trị nhân văn, giá trị xã hội. Tuy nhiên, để khai thác khía cạnh phân hóa của chất lượng các dịch vụ giáo dục, dùng từ "thị trường" có thể chấp nhận được. Việc phân hóa trong dạy Tiếng Anh này thể hiện rõ ở sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa trường nội địa và trường "quốc tế". Đây là một quy luật không thể đảo ngược của thị trường khi mà phụ huynh có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi mạnh tay cho con cái để có được chất lượng dịch vụ giáo dục tương xứng.
Nếu mô hình "lâu đài trên cát" dẫn đến phân cực theo chiều dọc khi nhân lực chất lượng cao ít thấy xuất hiện ở các cấp học thấp, thì việc phân hóa thị trường giáo dục lại dẫn đến phân cực theo chiều ngang khi chất lượng dịch vụ vượt trội tại các khu vực trung tâm có mức ưu đãi cao và giảm dần tại các khu vực khác. Hệ quả không chỉ kéo theo sự chuyển dịch của lực lượng lao động là các thầy cô giáo, mà còn gia tăng khoảng cách trong trình độ tiếng Anh giữa các nhóm học sinh nông thôn và thành thị, trường nội địa và trường "quốc tế".
>> 'Trình độ giáo viên không đều, học sinh còn kém ngoại ngữ'
3. Tuổi trẻ thiếu trải nghiệm
Vật cản lớn với việc học tiếng Anh là ở tâm lý của học sinh. Rất nhiều học sinh không hiểu việc học này để nhằm mục đích gì? Có vài nguyên nhân dẫn đến sự mông lung của học sinh khi học tiếng Anh. Đầu tiên là tình trạng phổ biến của sự áp đặt của phụ huynh khi mà các quyết định liên quan đến học tập của con cái đều đến từ cha mẹ. Điều này dẫn đến hai lựa chọn cho học sinh: một là phản kháng và hai là phó mặc. Cả hai xu hướng này đều gây hại đến kết quả học tập tiếng Anh vì dễ viện dẫn lý do "không có năng khiếu", "quá phức tạp"...
Thật ra, để đạt được kết quả trung bình trong bất cứ môn học nào là hai yếu tố: sự tập trung và đầu tư thời gian. Nhưng những lý do "trời ơi đất hỡi" để giải thích cho việc học kém Tiếng Anh sẽ dễ qua mặt phụ huynh vì bản thân họ cũng không đủ khả năng kiểm chứng. Ở chiều ngược lại, có một số phụ huynh phó mặc cho nhà trường về việc học của con cái. Họ chỉ nổi xung khi kỳ vọng của mình với con cái không đúng như ý nguyện. Với những trường hợp này, kết quả học tập hoàn toàn phụ thuộc bản lĩnh của cá nhân học sinh.
Ngoài ra, việc lơ là giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cũng dẫn đến việc học sinh không thể hoạch định cho các kế hoạch học tập, nghề nghiệp cho tương lai. Một khi không có mục tiêu hướng đến, việc lạc lối là điều có thể báo trước. Đến khi gia nhập thị trường lao động, nhiều học sinh, sinh viên mới bắt đầu biết giá trị của từ "giá như".
>> Bạn đánh giá thế nào về chất lượng dạy và học Tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay? Chia sẻ viết tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.