Tôi đã xem qua đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT. Quả thật, độ khó của đề thi tương đương với chứng chỉ C ở các trung tâm ngoại ngữ. Với người đã đi làm vài năm và thường xuyên sử dụng tiếng Anh để làm việc, mức độ khó của đề thi này không cao, nếu chưa muốn nói là quá dễ. Tuy nhiên, với học sinh phổ thông lại khá khó. Tôi nghĩ, nên hạ thấp độ khó của đề thi xuống tương đương với chứng chỉ B là vừa. Hoặc, chia lại đề theo các cấp độ khó A, B, C và không dùng điểm tiếng Anh cộng vào tổng điểm chung. Tùy theo ngành nghề ở bậc đại học cần mức độ ngoại ngữ như thế nào mà nhà trường đòi hỏi trình độ tương ứng mà thí sinh phải đạt được.
Với du học sinh, đại học nước ngoài, họ lấy điểm IELTS làm chuẩn chứ không lấy điểm thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT. Nước ta không phải là quốc gia nói tiếng Anh. Sự cần thiết của tiếng Anh đối với người Việt nói chung chỉ tập trung ở một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Ví dụ như công ty tôi, chỉ có mỗi ông chủ là người phương Tây và cũng chỉ trực tiếp làm việc với các CEO, không làm việc với các nhân viên cấp thấp hơn. Thị trường của công ty chủ yếu là ở trong nước với đa số khách hàng là người Việt. Trong điều kiện như vậy, chẳng lẽ nhân viên người Việt sẽ nói chuyện với nhau và với khách hàng người Việt bằng tiếng Anh? Như vậy là lạm dụng tiếng Anh chứ không phải là dùng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp.
Dù bạn đạt điểm thi IELTS cao nhưng không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với người ngoại quốc thì kỹ năng sử dụng tiếng Anh của bạn cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu không ứng tuyển vào một nơi làm việc có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài, dù bạn nói tiếng Anh lưu loát đến mấy cũng bằng không và bạn sẽ mất rất nhiều thời gian trau dồi tiếng Anh chỉ để khỏi quên nhằm chờ đợi một cơ hội nào đó dùng đến. Chúng ta có cần thiết phải lãng phí thời gian như vậy không?
>> 'Khó đòi hỏi học sinh giỏi tiếng Anh khi trình độ giáo viên còn thấp'
Do vậy, thi tốt nghiệp THPT chỉ cần trình độ tiếng Anh căn bản là được. Học đại học và ra đi làm, tự các cháu sẽ phải nâng cao kỹ năng tiếng Anh của mình lên mức độ đáp ứng với từng nhu cầu công việc. Sẽ có bạn nói, tiếng Anh không chỉ dùng để giao tiếp mà còn dùng để đọc tài liệu. Với công cụ là Google dịch thuật, thậm chí bạn không cần phải biết tiếng Anh. Trường hợp này, thậm chí cần bạn giỏi tiếng Việt hơn. Hầu hết tài liệu tham khảo, trừ những tài liệu mới nhất, đều có các chuyên gia dịch sẵn ra tiếng Việt. Bạn đương nhiên không thể giỏi tiếng Anh hơn những người lấy bằng Cao học, Tiến sĩ ở nước ngoài.
Ngày trước, tôi thi tốt nghiệp THPT, chỉ có hai môn Tiếng Anh và Lịch sử đạt điểm tuyệt đối, trong khi môn Toán tôi dùng để thi đại học khối kỹ thuật chỉ được 8 điểm. Đây là hai môn tôi yêu thích nhất, dù tôi chẳng thích những ngành nghề dùng đến chúng, liên quan đến chúng (do xã hội Việt Nam lúc đó chưa có nghề nghiệp phù hợp). Ngày nay, nhìn bảng kết quả điểm thi của các cháu học sinh, hai môn này lại đứng cuối bảng, nghĩ mà buồn.
Chức năng của thi tốt nghiệp THPT là đánh giá thái độ học tập của học sinh chứ không nhằm để kiểm tra kiến thức. Kiểm tra kiến thức là việc của ban tuyển sinh đầu vào đại học và bộ phận tuyển dụng nhân sự của các công ty. Nếu học sinh học hành nghiêm túc, trừ môn yêu thích đạt điểm vượt trội hoặc điểm tuyệt đối, các môn khác chỉ cần có điểm thi tương đương nhau ở mức khá. Học hành thiếu nghiêm túc nhất định sẽ xảy ra học lệch, điểm thi các môn không yêu thích có cao có thấp không đều. Thái độ học tập là yếu tố dẫn đến thái độ làm việc cũng như thích ứng với môi trường làm việc, thái độ trau dồi nghề nghiệp, khả năng chịu trách nhiệm với kết quả công việc... Tóm lại, thái độ học tập là tiền đề cho việc học tập và rèn luyện các kỹ năng cao hơn.
>> Bạn đánh giá thế nào về độ khó đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT? bài viết tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.