Nói về chuyện học tiếng Anh, gần đây có nhiều bạn đọc ủng hộ phương pháp học tiếng Anh ngày đêm khá cực đoan. Tôi xin kể câu chuyện của mình để mở ra thêm một hướng trao đổi khác.
Hồi sinh viên, tôi có hai người bạn: một người học Đại học Bách khoa còn người kia ở Đại học Y Dược. Cậu bạn học Bách khoa là sinh viên xuất sắc các môn Toán, Lý nhưng cực tệ về tiếng Anh. Trong suốt thời sinh viên, cậu xao nhãng tiếng Anh vì cho rằng thành tích chuyên môn là đủ để có một công việc tốt. Đến khi thực tập tốt nghiệp, cậu bị sốc với yêu cầu tiếng Anh của công ty. Thế là cậu lao vào học tiếng Anh điên cuồng.
Gọi là điên cuồng không hề quá đáng vì trong suốt một năm, cách cậu học tiếng Anh khiến chúng tôi phát hoảng. Để luyện phát âm, cậu có thể lặp đi lặp lại một từ hàng tiếng đồng hồ bất kể giờ giấc. Để luyện nghe, cậu ấy cũng nghe đi nghe lại một đoạn hội thoại với cách tương tự. Cậu bỏ hàng đêm thức trắng để đọc một trang sách. Kết quả là sau một năm, trình độ tiếng Anh có khá hơn ở kỹ năng đọc hiểu, cải thiện phát âm một số chữ đơn lẻ, nhưng trình độ nghe, nói và viết gần như giậm chân tại chỗ.
Phải đến khi đi làm, cậu bạn này nảy ra một suy nghĩ táo bạo: đã kém rồi thì bỏ hết, học lại từ đầu. Thế là vừa đi làm cậu vừa đăng ký học lại tiếng Anh căn bản. Vài buổi một tuần, kiên trì theo đuổi và dĩ nhiên bỏ cách học "hành xác" kia. Sau hai năm, đặt mục tiêu du học, cậu thi IELTS đạt 6.5 và tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp. Hiện nay, vốn tiếng Anh đủ để cậu sang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ.
>> Tôi lao vào học tiếng Anh như một fan cuồng
Về phần cô bạn học ngành Y, xác định tiếng Anh của mình kém từ đầu nên khi vào đại học, cô đã chăm chỉ tự ôn luyện. Không có tiền học tại các trung tâm Anh ngữ, cô tham gia cậu lạc bộ tiếng Anh ở nhà văn hóa Thanh niên, làm tình nguyện viên để tăng cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. Khi tốt nghiệp, cô xin về Ban phòng chống HIV/AIDS, chuyên làm trợ lý cho các chuyên gia nước ngoài. Cùng với thành tích chuyên môn, tiếng Anh của cô tiến bộ dần để đạt chuẩn cho một suất học Cao học tại Australia. Sau đó, cô trải qua một năm làm việc về bình đẳng giới ở Nepal trước khi về nước làm việc cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng LGBT của một tổ chức phi chính phủ. Gần đây, cô nổi hứng thử đăng ký thi IELTS để kiểm tra trình độ, kết quả đạt 7.5.
Tôi chỉ dùng IELTS làm thước đo trình độ tiếng Anh chứ không cổ xúy học tiếng Anh chỉ để thi IELTS hay các chứng chỉ khác bằng mọi giá. Cả hai người bạn ở trên của tôi có một điểm chung là đều có chuyên môn tốt những lại kém tiếng Anh. Qua quá trình học tập kiên trì, họ đã đạt được trình độ tiếng Anh chuyên nghiệp (hiểu theo nghĩa có thể làm việc bằng tiếng Anh).
Từ kinh nghiệm của các bạn cũng như của bản thân, tôi thấy để học tiếng Anh tốt không nhất thiết phải có năng khiếu hay điều kiện gì đặc biệt, ai muốn cũng có thể học được. Chúng ta chỉ cần xác định hai thứ: một là có mục tiêu rõ ràng; và hai là phải kiên định với mục tiêu đó.
Đầu tiên, để học tiếng Anh tốt cần có mục tiêu. Mục tiêu càng rõ, càng quan trọng thì động lực càng lớn, quyết tâm càng cao. Nếu bạn muốn học tiếng Anh chỉ vì muốn bằng bạn bè, hay để nói tốt như những nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, bạn rất dễ nản chí. Nhưng nếu bạn cần tiếng Anh giỏi để nhận lương cao gấp ba hay để vào đại học ở Anh, Mỹ, bạn sẽ khó bỏ cuộc hơn rất nhiều.
Thứ hai là lòng kiên định. Không phải ai cũng có năng khiếu ngoại ngữ hay có điều kiện học hành tốt. Với các bạn từ kém lên khá đã gian nan, từ khá lên giỏi cũng là một thử thách không hề nhỏ. Để làm được điều đó, có thể bạn phải mất hàng năm hay hơn nữa. Không kiên định, nhiệt huyết học tập sẽ dễ dàng bị dập tắt bởi những lo toan khác.
>> Tôi cho con học tiếng Anh 18 tiếng mỗi tuần
Tuy nhiên, kiên định không có nghĩa là phải học tiếng Anh một cách cực đoan. Việc này hay gặp khi trẻ con học Anh văn theo quan điểm của cha mẹ. Tôi có anh đồng nghiệp cũ, anh luôn xác quyết phải cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ khi mới lọt lòng. Trong nhà anh chỉ mở các kênh truyền hình Anh - Mỹ. Chơi với con, anh và vợ cũng chỉ nói tiếng Anh. Và dĩ nhiên, con anh học trường quốc tế từ mẫu giáo. Sau này, không rõ con anh tiến bộ thế nào nhưng đã có những trường hợp các bé học trường quốc tế gặp khó khăn khi diễn đạt tiếng Việt.
Một số trường hợp khác khi trở lại học trường công lập thì không thể làm tập làm văn hay đọc hiểu lịch sử. Một số dù tiếng Anh nói và viết giỏi không thua dân bản xứ nhưng lại gặp trở ngại khi học tại các trường trung học, đại học nói tiếng Anh, không phải vì ngôn ngữ mà vì trình độ các môn văn hóa.
Có thể thấy, chỉ đầu tư công sức cho tiếng Anh mà bỏ qua các kỹ năng khác là không đáng. Mặt khác, không phải ai ở Việt Nam cũng đủ điều kiện để cho con học kiểu như anh đồng nghiệp ở trên. Nhìn chung, nếu bạn còn kém hay mất căn bản tiếng Anh, hãy viện đến một người thầy uy tín, có năng lực kèm cặp. Khi vốn tiếng Anh cơ bản tốt và có động lực đủ mạnh, bạn sẽ tự tìm ra cách học tiếng Anh tốt nhất cho mình. Chỉ bản thân bạn mới biết cái gì phù hợp, cái gì không mà thôi.
Với trẻ em, cha mẹ cũng nên có tâm thế như vậy để hướng dẫn con học. Việc tăng cường độ, ép học kiểu "cày cuốc" chỉ nên làm trong thời gian ngắn để đạt một mục tiêu cụ thể nào đó như luyện thi IELTS, TOEFL, đỗ phỏng vấn du học..., còn rèn luyện là việc cả đời, phải làm hằng ngày. Hãy tập làm nó như một thói quen.
Bản thân tôi xuất thân tỉnh lẻ, gia cảnh khó khăn nên không được học tiếng Anh bài bản từ nhỏ. Khi lớn lên, vì nhiều lý do mà phải học thêm ngoại ngữ khác để phục vụ cho công việc. Nhưng vì luôn xác định tiếng Anh là kỹ năng theo mình suốt đời, tôi luôn dành chỗ cho nó mỗi ngày, dù ít thôi, ráng biến nó thành một phần trong cuộc sống. Cài ngôn ngữ trên điện thoại là tiếng Anh, đọc một mẩu tin sáng trên báo, nghe một bản nhạc hay xem một chương trình Anh ngữ yêu thích sau bữa tối là việc không quá mất thời gian và cũng không quá khó làm. Kết quả thường đến chậm nhưng vững chắc.
Thực tế, sau mười mấy năm nghiêm túc theo đuổi nhưng không gò ép, tôi tự tin có thể làm việc trong môi trường Anh ngữ bằng vốn tiếng Anh tự học của mình. Tiếng Anh không phải "con ngáo ộp", người ta học được, các bạn cũng sẽ học được. Hãy xác định mục tiêu và học nó thật thoải mái.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Khiem Dang