Trả lời
Hơi thở có mùi hôi khó chịu rất phổ biến, ảnh hưởng đến mọi người. Nguyên nhân thường do vệ sinh răng miệng không đúng cách, không đầy đủ, viêm nha chu (nhiễm trùng nướu răng), lưỡi bẩn, các bệnh lý vùng tai, mũi và họng, amidan....
Viêm amidan mạn tính, sỏi amidan gây hôi miệng do liên cầu khuẩn hoặc virus tích tụ ở các hốc amidan sinh ra mủ tạo mùi khó chịu. Sỏi amidan gây mùi hôi do những cặn bã từ thức ăn, vi khuẩn và tế bào chết tích tụ, bị mắc kẹt trong các hốc amidan. Trong trường hợp viêm amidan mạn tính, loại bỏ các hốc sâu, nơi chứa các tế bào bong tróc, mảnh vụn và vi khuẩn rất quan trọng để điều trị hôi miệng và các triệu chứng khác. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chỉ định cách điều trị phù hợp.
Các bệnh tai mũi họng khác như viêm xoang mạn tính tiết ra chất nhầy có mủ và có mùi hôi, chảy dịch mũi sau, viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản cũng là yếu tố nguy cơ khiến miệng có mùi khó chịu. Tình trạng này còn do các bệnh về đường tiêu hóa khác bao gồm rối loạn chuyển hóa, gan, nội tiết... Người thường hút thuốc, uống rượu và cà phê, ăn thực phẩm có vị nặng như hành, tỏi, tỏi tây, thức ăn giàu chất béo cũng làm tăng khả năng có mùi hơi thở.
Như vậy, hôi miệng thường do rất nhiều nguyên nhân nên chỉ vệ sinh răng miệng kỹ không giúp bạn hết nặng mùi hơi thở. Để điều trị hôi miệng, bạn có thể đến bác sĩ nha khoa để kiểm tra sức khỏe răng miệng. Sau đó, bạn đi khám chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra, nội soi tai mũi họng, chẩn đoán đúng bệnh (nếu có) và điều trị phù hợp.
Bạn không nên hút thuốc lá, không uống rượu bia, hạn chế ăn thực phẩm nặng mùi, duy trì vệ sinh răng miệng hai lần mỗi ngày. Dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng sau khi ăn để loại trừ mảng bám, không mở miệng khi ngủ góp phần ngăn ngừa hơi thở có mùi.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |