Sau khi đọc bài viết "Ảo tưởng viện dưỡng lão là thiên đường của tuổi già", cũng như những chia sẻ của tác giả Hong Nhung về thực tế chi phí, chất lượng dịch vụ ở các viện dưỡng lão trong nước, tôi lại đôi điều liên tưởng tới câu chuyện bình đẳng nam nữ trong các gia đình Việt.
Trước tiên, tôi phải thừa nhận phụng dưỡng cha mẹ già là nét văn hóa đẹp của người Á Đông, thậm chí phù hợp với thực tế xã hội rằng viện dưỡng lão rất tốn kém... Nhưng mấy ai hiểu thấu rằng cũng ở khu vực này, còn tồn tại một lối sống truyền thống, tạo nên cấu trúc xã hội vô hình, luôn bị mỉa mai rằng phụ nữ bị ví von như "nô lệ trong nhà", còn người chồng lại có đặc quyền như ông chủ, "ông vua trong nhà".
Đây tuy là một cách nói quá, nhưng lại liên quan trực tiếp đến nữ quyền. Có rất nhiều nguyên tắc, lối sống cấu tạo nên chế độ trong nhà này. Song, nguyên tắc nặng nhất đó chính là người chồngluôn tận dụng tất cả các giáo lý, tư tưởng phong kiến để đàn áp, cấm đoán vợ mình hiếu thảo với "cha mẹ vợ". Có câu: "Lấy chồng giống chén nước đổ đi", nhiều người chồng sẵn sàng đưa ra lập luận với vợ rằng "đã xuất giá thì phải tòng phu", đòi hỏi vợ phải chăm sóc cha mẹ chồng mà buông bỏ nghĩa vụ với chính cha mẹ đẻ.
Tất nhiên không phải tất cả đàn ông Việt đều tư duy như thế, nhưng đó lại là tư tưởng, lối sống từ truyền thống, phổ biến một cách rộng rãi, vô hình trong xã hội nước ta. Phụ nữ ngày nay đấu tranh nữ quyền thì sao? Có mấy người hiểu thấu tác động vô hình của nạn "nô lệ trong nhà"?
>> Những người phụ nữ cả năm lo việc nhà chồng
Quay trở lại chuyện phụng dưỡng cha mẹ già. Dựa vào những gì đã nói trên, trong gia đình Á Đông, rõ ràng mọi sự hiếu thảo, phụng dưỡng chỉ dành cho cha mẹ chồng, còn cha mẹ vợ hầu như bị ghẻ lạnh, xem thường, gạt ra ngoài. Tết Nguyên đán mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp, nhưng cũng chẳng có chuyện ăn Tết với cha mẹ vợ. Có phải họ xem thường những người được gọi cha mẹ vợ hay không?
Chính vì hiểu biết đặc điểm này, không ít cặp vợ chồng ngày nay dù tiến bộ nhưng lại có tư tưởng rằng "tương lai chẳng ai muốn trở thành cha mẹ vợ của người khác". Các cặp vợ chồng cũng nỗ lực sinh con trai với tư duy tránh khỏi hoàn toàn nạn "nô lệ trong nhà", "thà làm cha mẹ chồng của người khác còn hơn" hoặc là "sinh con gái sớm muộn gì con cũng trở thành chén nước hất đổ đi"...
Đến bao giờ người Việt mới dám nhìn nhận trực tiếp vào những vấn đề thế này? Có lẽ không ai dám dũng cảm đấu tranh thì mọi thứ sẽ vẫn tồn tại một cách hiển nhiên như vậy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.