Sàn chậu được hình thành từ nhiều khối gân và cơ đan xen nhau, bám chắc vào thành bụng và xương mu, hai bên là xương chậu hông, phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt. Khu vực sàn chậu bao gồm bàng quang, ruột và các cơ quan sinh sản. Chức năng chính của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động mạnh, đồng thời duy trì sự liên tục của phân và nước tiểu, hỗ trợ việc đại tiện, quan hệ tình dục và quá trình sinh nở.
Theo Livescience, vùng sàn chậu khỏe mạnh có thể giúp kiểm soát cảm giác muốn đi tiểu. Để giảm bớt hoặc loại bỏ cảm giác thôi thúc, hãy siết chặt và thả lòng nhanh các cơ sàn chậu một vài lần. Hành động này gửi thông điệp đến hệ thống thần kinh và điều khiển bàng quang để ngừng co bớp. Khi bàng quang thư giãn, cảm giác thôi thúc sẽ giảm dần.
Các cơ sàn chậu cần duy trì được khả năng co để giữ nước tiểu, phân và khí, đồng thời cũng cần có thể thả lỏng hoàn toàn để làm trống ruột và bàng quang khi cần. Bên cạnh đó, cơ sàn chậu cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích và đạt cực khoái. Ở nam giới, các cơ này tham gia vào chức năng cương dương khi quan hệ tình dục.
Ảnh hưởng của rối loạn chức năng sàn chậu
Rối loạn chức năng sàn chậu xảy ra khi các cơ sàn chậu không hoạt động như bình thường, dẫn đến các vấn đề như tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu.
Sàn chậu hỗ trợ các hệ thống tiết niệu, vì vậy khi khu vực này bị suy yếu, một số tình trạng có thể xảy ra, trong đó phổ biến là tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu khi ho, cười hoặc hắt hơi), không nhịn tiểu được theo ý muốn, đi tiểu đêm nhiều lần, tiểu khó hoặc phải rặn, cảm giác đi không hết. Ngoài ra cơ sàn chậu yếu cũng dẫn đến sa cơ quan vùng chậu (cảm giác nặng hoặc căng phồng ở âm đạo) và đại tiện không tự chủ.
Theo UCLA Health, một phần ba phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu, nguyên nhân xuất phát từ quá trình mang thai và sinh con khiến các mô liên kết và cơ bị rách và yếu. Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố và cân nặng của em bé làm gia tăng ảnh hưởng đến các cơ sàn chậu. Ngoài ra, quá trình sinh thường cũng làm cơ bị kéo căng đáng kể. Với các thai phụ bị rách tầng sinh môn, cơ sàn chậu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Phụ nữ sinh mổ cũng có thể gặp rối loạn chức năng sàn chậu. Theo một nghiên cứu trong 6 năm liên tục về chức năng sàn chậu của phụ nữ sau khi sinh cho thấy, nguy cơ mắc tiểu không tự chủ tăng 2,5 lần ở người sinh thường và 1,5 lần ở người sinh mổ (so với những người chưa từng sinh con).
Thời kỳ mãn kinh và quá trình lão hóa cũng làm thay đổi sàn chậu. Đối với phụ nữ, khi nồng độ estrogen giảm dẫn đến các mô âm đạo, niệu đạo mỏng đi và ảnh hưởng đến chức năng sàn chậu.
Ở nam giới, rối loạn chức năng sàn chậu thường xảy ra sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, nâng vật nặng thường xuyên hay ho kéo dài. Phương pháp trị liệu thông thường dành cho nam giới là thực hiện các bài tập cơ sàn chậu để tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ này.
Theo các chuyên gia, việc tập luyện cơ sàn chậu có thể giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả 80% bệnh són tiểu, tiểu đêm... Bên cạnh đó, việc tập luyện đúng cách còn ngăn ngừa hiện tượng sa tử cung, bàng quang, trực tràng, hoặc giúp tình trạng sa không nặng hơn.
Mai Ánh