Trả lời:
Khoảng 93% thành phần dinh dưỡng của nước mía là đường, chủ yếu là đường đôi sucrose. Lượng đường đôi và đường đơn mỗi người tiêu thụ nên ít hơn 10% tổng nhu cầu năng lượng mỗi ngày. Ví dụ, một người trưởng thành, khỏe mạnh, có nhu cầu năng lượng khoảng 1500-2.000 kcal một ngày thì lượng đường tối đa nên dưới 15-20 g.
Mỗi ly nước mía 200 ml cung cấp khoảng 187 kcal, bao gồm 43,2 g carbohydrate, 1,32 g chất béo và 0,5 g protein. Theo đó, lượng đường trong ly nước mía có thể cao hơn gấp đôi so với mức khuyến nghị. Thường xuyên tiêu thụ quá nhiều đường có nguy cơ gây tăng cân, tăng đường máu, rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Để giảm nguy cơ tăng cân do uống nước mía, bạn nên uống ít hơn 100 ml, tức khoảng nửa ly mỗi ngày. Không bổ sung thêm đường, sầu riêng hoặc nước ép trái cây có vị ngọt vào đồ uống. Trong ngày hôm đó, bạn hạn chế ăn uống thực phẩm khác chứa nhiều đường như bánh kẹo, các loại chè, chocolate.
Uống nước mía với hàm lượng vừa phải, đúng cách có thể mang đến lợi ích cho sức khỏe. Đồ uống này giúp bổ sung nước, năng lượng, chứa nhiều vitamin (A, C, B3, B6), khoáng chất (canxi, magie, kali, đồng, sắt, kẽm), chất chống oxy hóa (phenolic, flavonoid) và chất xơ hòa tan. Chúng có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ tế bào trước các tác nhân gây hại, góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể.
Bạn có thể đi khám dinh dưỡng, xét nghiệm vi chất chuyên sâu bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết cơ thể đang thiếu hoặc thừa chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống cụ thể để tránh thừa cân.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |